Tại phiên họp thường niên cấp bộ trưởng lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, các nước đã thông qua một nghị quyết, trong đó kêu gọi đánh giá "công bằng, khách quan và toàn diện" về biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về các hành động của WHO liên quan đến đại dịch COVID-19.
Đề xuất này do Liên minh châu Âu (EU), đại diện cho trên 100 nước, trong đó có Australia, Trung Quốc và Nhật Bản, đưa ra.
Trước đó, EU tuyên bố ủng hộ WHO và những nỗ lực đa phương nhằm chống lại dịch COVID-19 sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo rút Mỹ khỏi cơ quan toàn cầu này. Người phát ngôn phụ trách đối ngoại của EU Virginie Battu-Henriksson nêu rõ: "Đây là thời điểm thể hiện đoàn kết chứ không phải lúc làm xói mòn hợp tác đa phương". Bà Battu-Henriksson nhấn mạnh EU ủng hộ WHO trong nỗ lực ngăn chặn và giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19, đồng thời đã tài trợ thêm nhằm hỗ trợ nỗ lực này của WHO.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/5 cảnh báo Washington tạm thời đóng băng quỹ tài trợ cho WHO và xem xét rút Mỹ khỏi tổ chức này. Trong bức thư gửi Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, được đăng tải trên tài khoản Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh "Nếu WHO không cam kết tiến hành những cải thiện thực chất đáng kể trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ tạm thời đóng băng quỹ viện trợ của Mỹ dành cho WHO trong một thời gian dài và xem xét lại tư cách thành viên của chúng tôi tại tổ chức này".
Từ giữa tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump đã yêu cầu Chính phủ Mỹ tạm ngừng tài trợ cho WHO, do cho rằng cách thức giải quyết đại dịch của tổ chức này chưa phù hợp. Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ sớm đưa ra quyết định về việc tài trợ cho WHO và nhà lãnh đạo này đã xem xét giảm mức tài trợ của Mỹ cho WHO xuống còn 40 triệu USD thay vì là nhà tài trợ lớn nhất như hiện tại với khoản tiền lên tới 450 triệu USD/năm (tương ứng khoảng 15% ngân sách của WHO).