Trong ngày 29/4, các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục quá trình đàm phán. Dự thảo thỏa thuận mới đã được đưa ra, với các nội dung được điều chỉnh và xem xét tới quan điểm của các nước. Tuy nhiên, các nhóm thảo luận vẫn đang cố gắng tìm kiếm giải pháp cho những bất đồng. Nhà ngoại giao Hà Lan, ông Roland Driece thừa nhận: “Nó đang diễn ra đúng như dự kiến. Hầu hết các quốc gia thành viên chỉ ra rằng với văn bản mới này, chúng tôi đang đi đúng hướng, nhưng đồng thời vẫn còn rất nhiều điều cần phải giải quyết".
Mục tiêu của quá trình đàm phán từ nay tới ngày 10/5 là đạt được thỏa thuận để thông qua tại kỳ họp thường niên năm 2024 của Đại Hội đồng Y tế thế giới, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 27/5.
Trong quá khứ, dịch COVID-19 đã khiến các nền kinh tế bị tàn phá, hệ thống y tế tê liệt và hàng triệu người tử vong. Đại dịch này đã thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm khuôn khổ cam kết ràng buộc nhằm ngăn chặn thảm họa tương tự khác trong tương lai. Tuy nhiên, những khác biệt lớn nhanh chóng xuất hiện về các nội dung trong thỏa thuận.
Các bất đồng chính xoay quanh khả năng tiếp cận và công bằng, như khả năng tiếp cận mầm bệnh được phát hiện ở các quốc gia; tiếp cận các sản phẩm chống dịch như vaccine; và phân phối công bằng không chỉ các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine chống dịch mà còn cả phương tiện để sản xuất chúng.
Bên cạnh đó, dự thảo thỏa thuận mới còn tập trung vào việc thiết lập khuôn khổ cơ bản và đưa một số nội dung cụ thể hơn vào cuộc đàm phán tiếp theo trong năm 2026, đặc biệt là về cách Hệ thống chia sẻ lợi ích và tiếp cận mầm bệnh (PABS) của WHO hoạt động trên thực tế.
Bà Jaume Vidal, cố vấn chính sách cấp cao của tổ chức Health Action International, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến những bất đồng, không rõ đó có phải là điểm sụp đổ hay là ánh sáng cuối con đường. Tôi cho rằng tình hình hiện nay cần những hành động cụ thể”.