Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào ngày 10/3 đã ra khuyến cáo ngừng tổ chức các lễ hội, các sự kiện thu hút đông người tham dự, kể cả đám cưới. Khuyến cáo được gửi tới tất cả các sở thông tin, văn hóa, du lịch và các ban ngành có liên quan trên cả nước, nêu rõ phòng ngừa là biện pháp giúp Lào chống lại COVID-19, trong bối cảnh Lào hiện là quốc gia duy nhất trong khu vực chưa bùng phát dịch bệnh dễ lây lan này.
Chính quyền tỉnh Luang Prabang, nơi hằng năm tổ chức các lễ hội chào đón năm mới quy mô lớn để thu hút khách du lịch, cũng hủy bỏ một số nghi lễ đón năm mới theo phong tục Lào. Theo đó, sẽ chỉ tổ chức những sự kiện truyền thống hết sức quan trọng và hạn chế các hoạt động được coi là không cần thiết như các buổi hòa nhạc, triển lãm và các những sự kiện công cộng thu hút đông người tham gia khác.
Trước đó, Chính phủ Lào đã hoãn tổ chức Lễ đón nhận di tích Cánh Đồng Chum được công nhận là Di sản thế giới, hoãn tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc, thậm chí hoãn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, Bộ Y tế nước này cũng thông báo sẽ tạm hoãn tổ chức mọi hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao để phòng ngừa sự lây an của virus SARS-CoV-2. Algeria hiện là nước có số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất châu Phi với 20 trường hợp.
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 từ nước ngoài xâm nhập, Ấn Độ đã quyết định cấm nhập cảnh nước này đối với công dân 3 nước Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ đến nay đã ghi nhận 61 ca nhiễm SARS-CoV-2.
Trong khi đó, tại Trung Đông - khu vực ghi nhận hơn 7.600 ca mắc COVID-19, Saudi Arabia đã đóng cửa không phận và hải phận đối với các chuyến đi và đến từ 14 nước có dịch COVID-19. Jordan cũng đã cấm công dân 5 nước Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Syria và Liban nhập cảnh nước này. Công dân Jordan cũng bị cấm tới 5 nước trên.
Tại Australia, tính đến sáng 11/3, nước này ghi nhận 106 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó thành phố Sydney thuộc bang New South Wales là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 61 trường hợp.
Chính phủ Australia ngày 11/3 đã công bố gói hỗ trợ các dịch vụ y tế trị giá 2,4 tỷ AUD (1,56 tỷ USD) và dành 30 triệu AUD (tương đương 19,8 triệu USD) cho các chiến dịch truyền thông để chống dịch bệnh COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, gói tài chính bao gồm tài trợ miễn phí khám chữa bệnh đối với những người có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19, có thể tự điều trị tại nhà, thông qua liên lạc điện thoại, truy cập các đường link video hướng dẫn và kết nối trực tuyến.
Ngoài ra, các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi dự kiến cũng sẽ được tăng cường theo gói này và một phần kinh phí dành cho các cơ quan y tế để thành lập 100 phòng khám dã chiến, mỗi phòng khám có năng lực xử lý 75 bệnh nhân mỗi ngày, duy trì trong vòng 6 tháng tới.
Canberra hy vọng các phòng khám mới sẽ là cơ sở giúp giảm tải áp lực cho các bệnh viện, chuyển bớt những người đang điều trị COVID-19 ra khỏi hệ thống khám chữa bệnh chung với các trường hợp bệnh thông thường khác. Hiện hai cơ quan y tế hàng đầu của Australia đang tiến hành xác định các địa điểm phù hợp thiết lập các phòng khám trên phạm vi cả nước.