Ngày 1/5, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình, ông Herve Ladsous, cáo buộc các phe phái Xyri vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã cam kết trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình do Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan đề xuất. Ông Ladsous cho biết lực lượng của chính phủ Xyri vẫn duy trì vũ khí hạng nặng tại một số thành phố và các nhóm vũ trang đối lập tiếp tục tiến hành các vụ tấn công bạo lực nhằm vào quan chức chính phủ và dân thường. Hãng tin nhà nước SANA cho biết nhóm vũ trang có tên gọi Lữ đoàn của Mohammed đã ám sát ứng cử viên quốc hội của tỉnh Daara, ông Abdul-Hamid Taha. Trước đó, nhóm này đe dọa sẽ thủ tiêu bất cứ ai đề cử ông Abdul làm ứng cử viên cho kỳ bầu cử quốc hội sắp tới. Nhóm vũ trang Hồi giáo Al-Nusra nhận đã tiến hành một số vụ đánh bom ở Xyri, trong đó có vụ đánh bom tại thủ đô Đamát tuần trước nhằm vào lực lượng an ninh, làm ba người bị thương.
Hiện trường vụ đánh bom tại Idlib, Xyri, ngày 30/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bối cảnh bạo lực tiếp diễn, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề về trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang, bà Radhika Coomaraswamy đã báo động về thực trạng có nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của các vụ tấn công tại Xyri. Các báo cáo gần đây cho thấy bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, bạo lực leo thang đã làm nhiều dân thường thiệt mạng, trong đó có 34 trẻ em.
Liên quan đến tiến trình triển khai quan sát viên của LHQ tại Xyri, ông Ladsous cho biết đến nay các nước thành viên LHQ chỉ mới cam kết cử 150 người tham gia phái đoàn này. Tuy nhiên, ông Ladsous vẫn tin tưởng việc triển khai phái đoàn 300 quan sát viên tại Xyri sẽ hoàn tất vào cuối tháng Năm như kế hoạch đã định. Hiện LHQ đã triển khai được quan sát viên tại Đamát, Idlib
, Homs, Hama, Daara. Tại các địa điểm này, các quan sát viên đã tiếp xúc với tất cả các bên cũng như tiến hành các đợt thị sát định kỳ.
Ông Ladsous cho biết thêm Chính phủ Xyri đã từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho ba quan sát viên song không tiết lộ quốc tịch của ba nhân vật này. Ông cảnh cáo sẽ báo cáo lên Hội đồng Bảo an LHQ nếu Đamát không hợp tác trong việc cấp thị thực cho các quan sát viên của LHQ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Xyri đã bác bỏ thông tin trên và cho biết hiện tại các quan sát viên từ hơn 110 quốc gia được phép hoạt động tại Xyri.
TTXVN/Tin tức