Các quốc gia châu Á đối phó với biến thể Omicron như thế nào?

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến nhiều quốc gia châu Á phải thay đổi kế hoạch, từ rục rịch mở cửa biên giới để sống chung với dịch bệnh sang thắt chặt các quy định nhập cảnh và cách ly.

Chú thích ảnh
Một phụ nữ tiêm vaccine AstraZeneca ở thành phố Quezon, Philippines. Ảnh: DPA

Singapore

Dù chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron nào, nhưng Singapore đã quyết định thắt chặt các biện pháp phòng dịch như kiểm soát đường biên giới, xét nghiệm PCR và dừng kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội. Từ ngày 3/12, các biện pháp kiểm soát mới đối với người nhập cảnh sẽ được kích hoạt.

Theo đó, tất cả những người nhập cảnh qua Làn đi lại cho người đã tiêm đủ vaccine (VTL) sẽ phải xét nghiệm nhanh tại các trung tâm xét nghiệm vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 sau khi có mặt tại Singapore. Trước đó, những người này chỉ phải xét nghiệm PCR sau khi nhập cảnh.

Ngoài ra, Singapore đã thông báo sẽ xét nghiệm cho toàn bộ những người đã nhập cảnh vào nước này từ ngày 12 - 27/11 và có lịch sử đi lại trước đó tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến thể Omicron.

Bất kỳ ai bị nhiễm biến thể Omicron sẽ không được phép điều trị tại nhà và thay vào đó sẽ được chuyển đến Trung tâm Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm để cách ly cho đến khi khỏi bệnh. Tương tự, những người tiếp xúc gần với những trường hợp này sẽ được yêu cầu cách ly tại các cơ sở được chỉ định thay vì tại nhà.

Chú thích ảnh
Một bà mẹ và đứa trẻ được kiểm tra nhiệt độ khi chuẩn bị lên xe buýt trở về Malaysia từ Singapore. Ảnh: Reuters

Malaysia

Bộ Y tế cho biết hôm 1/12, Malaysia sẽ tạm thời cấm du khách từ các quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron hoặc được coi là có nguy cơ cao nhập cảnh vào nước này. Giới chức cho biết nước này sẽ trì hoãn kế hoạch thiết lập làn đi lại đối với những người  đã tiêm chủng ở các quốc gia đó.

Giống như hầu hết các chính phủ khác, Malaysia đã cấm đi lại từ 7 quốc gia châu Phi sau khi phát hiện biến thể mới ở khu vực này. Người trở về từ những quốc gia này cũng phải thực hiện cách ly bắt buộc 14 ngày tại các cơ sở được chỉ định của chính phủ.

Ngày 30/11, Chính phủ  Malaysia cho biêt họ sẽ tạm dừng kế hoạch chuyển hướng coi COVID-19 là bệnh đặc hữu sang sống chung với dịch bệnh do sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Indonesia

Chú thích ảnh
Sân bay quốc tế Ngurah Rai ở Bali, Indonesia. Ảnh: Reuters

Ngày 28/11, Chính phủ Indonesia quyết định ngừng nhập cảnh đối với các du khách quốc tế từng ở 10 quốc gia châu Phi và vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc) trong vòng hai tuần qua nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron.

Bali và Jakarta cũng sẽ áp dụng lại các hạn chế cộng đồng lên cấp độ 2, tăng so với cấp độ 1 trước đó. Điều này nghĩa là các văn phòng và nhà hàng chỉ có thể hoạt động với công suất tối đa 50% và siêu thị với công suất 75%. Cho đến nay chưa có trường hợp nào của biến thể Omicron được phát hiện ở Indonesia.

Ấn Độ

Chú thích ảnh
Nhân viên y tá tham gia chương trình tiêm chủng COVID-19. Ảnh: AFP

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 28/11 vừa ban hành hướng dẫn phòng dịch mới cho tất cả du khách nước ngoài nhập cảnh vào Ấn Độ trong thời gian tới. Theo đó, người nhập cảnh phải khai báo lịch trình đi lại trong thời gian 14 ngày trước thời điểm nhập cảnh, xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng hình thức RT-PCR trước chuyến đi. Các hướng dẫn đi lại mới có hiệu lực từ ngày 1/12.

Với du khách đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có “nguy cơ lây nhiễm cao” - như Anh, Nam Phi, Brazil, Bangladesh, Botswana, Trung Quốc, Hong Kong và Israel - ngoài việc xuất trình chứng nhận âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước chuyến đi, những người này còn phải xét nghiệm và chờ kết quả tại sân bay. Nếu có kết quả âm tính, họ vẫn phải tự cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày. Những người có triệu chứng sẽ được cách ly tại cơ sở y tế ngay lập tức. Với người đi từ các quốc gia được coi là “ít nguy cơ”sẽ được rời khỏi sân bay và phải tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày từ khi nhập cảnh.

Tuần trước, Ấn Độ đã thông báo sẽ nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15/12 nhưng kế hoạch này hiện đang được xem xét lại.

Hàn Quốc

Tổng thống Moon Jae-in hôm 29/11 đã hối thúc giới chức nước này thắt chặt việc xét nghiệm khi nhập cảnh, ngay sau khi các cơ quan y tế báo cáo trường hợp đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron.

Hôm 28/11, Hàn Quốc đã áp lệnh cấm nhập cảnh đối với 8 quốc gia châu Phi, gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.

Khách du lịch đã tiêm phòng từ các quốc gia khác phải trình kết quả xét nghiệm PCR, sau đó làm xét nghiệm lần 2 tại trung tâm y tế công cộng địa phương và tự cách ly tại nơi cư trú cho đến khi nhận được kết quả. Những người có kết quả âm tính được miễn cách ly nhưng phải làm xét nghiệm khác tại trung tâm y tế công cộng vào ngày thứ 6 hoặc thứ 7.

Số ca COVID-19 hàng ngày của Hàn Quốc vào hôm 1/12 lần đầu tiên vượt mức 5.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát, Sự gia tăng này diễn ra sau khi chính phủ nới lỏng các quy định giãn cách xã hội vào đầu tháng 11, là bước đầu tiên để khôi phục trạng thái bình thường mới.

Nhật Bản

Chú thích ảnh
Người đi bộ ở Shibuya, một khu giải trí của Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AP

Trong nỗ lực ngăn chặn biến thể Omicron lây lan, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ dừng cho phép khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 30/11.

Đồng thời Nhật Bản sẽ thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly tại khu vực cách ly do chính phủ chỉ định trong các trường hợp người Nhật và người sinh sống tại Nhật trở về từ 14 quốc gia, khu vực đã xác nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron, bên cạnh 9 quốc gia hiện đang là đối tượng chỉ định cách ly ở châu Phi.

Nhật Bản cũng đã yêu cầu các hãng hàng không ngừng nhận đặt chỗ chuyến bay đến nước này do lo ngại về biến thể virus mới.

Philippines

Chú thích ảnh
Máy bay của hãng hàng không Cathay Pacific bay qua ngôi làng ở Manila, Philippines. Ảnh: EPA

Kể từ ngày 28/11, Philippines đã cấm tất cả du khách đến từ 14 quốc gia ở châu Phi và châu Âu nhập cảnh vào nước này, nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm biến chủng Omicron. Biện pháp này sẽ được duy trì cho đến ít nhất là ngày 15/12.

Theo đó, các quốc gia nằm trong “danh sách đỏ” sẽ bị cấm nhập cảnh vào Philippines gồm: Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Italy, Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini và Mozambique.

Thái Lan

Chú thích ảnh
Du khách dạo bước tại chùa Arun ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: EPA

Thái Lan vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron nào. Tuy nhiên, nước này đã áp đặt các hạn chế đối với du khách khách đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Kể từ ngày 1/12, những người đến từ các quốc gia này sẽ không được phép nhập cảnh vào Thái Lan.

Tuy nhiên, những người đến từ các quốc gia châu Phi khác vẫn được phép đến Thái Lan và phải cách ly trong 14 ngày, trong thời gian đó, họ sẽ phải thực hiện 3 lần xét nghiệm PCR.

Australia

Chính phủ Australia ngày 29/11 đã quyết định tạm dừng việc nới lỏng các hạn chế biên giới theo kế hoạch đối với sinh viên quốc tế và những người có thị thực đủ điều kiện khác cho đến ngày 15/12, để có thêm thời gian thu thập thông tin về biến thể Omicron.

Với thông báo trên, cho đến ngày 15/12, Australia sẽ chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân Australia, người có thị thực thường trú và thành viên gia đình đã được tiêm phòng đầy đủ, cũng như những du khách “làn xanh” được tiêm phòng đầy đủ từ New Zealand và Singapore, và các trường hợp được miễn trừ.

Chú thích ảnh
Hành khách trên chuyến bay của Singapore Airlines đến Sân bay Quốc tế Melbourne, Australia. Ảnh: EPA

New Zealand

Hôm 29/11, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố nước này sẽ chuyển sang sống chung với COVID-19 từ cuối tuần này bất chấp biến thể Omicron mới.

New Zealand vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron nào. Tuy nhiên, bà Ardern cho biết tình hình cấp thiết trên toàn cầu cho thấy cần phải có cách tiếp cận thận trọng ở khu vực biên giới. New Zealand cũng đã cấm du khách từ 9 quốc gia châu Phi nhập cảnh vào nước này. Công dân New Zealand trở về từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ được nhập cảnh vào nước này nhưng phải cách ly trong 14 ngày.  

New Zealand đã áp đặt biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Nước này cũng kế hoạch đóng cửa biên giới với hầu hết khách du lịch quốc tế trong 5 tháng nữa.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo SCMP, AFP, Reuters)
Những điểm giống và khác nhau giữa hai biến thể Omicron, Delta
Những điểm giống và khác nhau giữa hai biến thể Omicron, Delta

Hiện các nhà khoa học trên toàn thế giới đang chạy đua để "giả mã" Omicron - biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN