Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 3/3/2019, quốc gia này đã thông báo tổng cộng có 110 ổ dịch ASF xuất hiện tại 28 tỉnh. Còn ở Nga, virút ASF được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 4/12/2007. Tính từ năm 2007 đến ngày 25/2/2019, đã có trên 1.000 ổ dịch ASF xuất hiện tại 46 vùng của nước này, với hơn 800.000 con lợn chết. Tại Mông Cổ, ổ dịch ASF đầu tiên được báo cáo vào ngày 15/1/2019 và đến ngày 26/2/2019, đã có 10 ổ dịch ASF xuất hiện tại sáu tỉnh.
Nỗ lực đẩy lui dịch bệnh
Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) nói rằng ASF là căn bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến lợn nhà và lợn rừng, không gây bệnh cho con người và các loài động vật khác. Tuy vậy, dịch bệnh này thường gây tử vong đối với vật nuôi và không có thuốc chữa hoặc vắcxin phòng ngừa. Do tỷ lệ vật nuôi tử vong rất cao sau khi nhiễm bệnh nên dịch tả lợn châu Phi gây hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng cho các quốc gia bị ảnh hưởng.
Theo số liệu của Cơ quan Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), từ năm 2007 đến giữa năm 2012, dịch bệnh ASF đã gây tổn thất trực tiếp và gián tiếp tại nước này khoảng 30 tỷ ruble (khoảng 1 tỷ USD).
Khuyến cáo của OIE và FAO cho thấy để phòng chống dịch ASF, cần tiêu hủy đàn lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với ASF bằng phương pháp chôn sâu 3-4 m, đồng thời bổ sung hóa chất sát trùng, vôi củ, vôi bột.
Tại Trung Quốc, nghiên cứu dịch tễ của ổ dịch ASF đã chỉ ra rằng ba nguyên nhân chính làm bệnh ASF lây lan, gồm 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.
Trong khi đó, ngày 11/3 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát động một chiến dịch bảo vệ người dân trên thế giới trước mối đe dọa căn bệnh cúm hoành hành trong thập niên tới, đồng thời cảnh báo nguy cơ xảy ra các đại dịch cúm mới trong tương lai.
Chiến dịch mới của WHO bắt đầu từ năm 2019 cho đến hết năm 2030 nhằm ngăn chặn bệnh cúm mùa, kiểm soát sự lây lan của virút từ động vật sang người và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch tiếp theo. Chiến dịch này kêu gọi mọi quốc gia tăng cường và đẩy mạnh các chương trình y tế thường nhật và phát triển các chương trình dành riêng cho việc phòng chống cúm nhằm củng cố việc kiểm soát bệnh, các phản ứng, phòng ngừa...
WHO cho biết sẽ mở rộng danh sách các đối tác nhằm tăng cường nghiên cứu, đổi mới, đảm bảo sự sẵn có của các loại vắcxin mới cũng như các biện pháp phòng chống cúm.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo "mối đe dọa đại dịch cúm luôn hiện hữu". Theo ông, những tiến bộ trong những năm gần đây đã giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn trước sự bùng phát của một đại dịch cúm tiếp theo. Tuy nhiên, ông cho rằng sự chuẩn bị vẫn còn chưa đủ nên mục đích của chiến dịch này nhằm khắc phục điều đó. Ông kêu gọi mọi người dân cần nâng cao cảnh giác và duy trì tinh thần sẵn sàng để ứng phó với dịch cúm.
Kinh nghiệm ứng phó
Các nghiên cứu ở Ba Lan cho thấy có đến 74% trường hợp bệnh ASF xâm nhiễm vào các trại chăn nuôi lợn của nước này là do chưa kiểm soát chặt chẽ, thực hiện quy trình sát trùng người và phương tiện vào các trang trại chăn nuôi lợn và do sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Còn tại Mông Cổ, để phòng chống dịch ASF, hạn chế vận chuyển, kể cả hạn chế việc đi lại của con người trong vùng dịch trong khoảng thời gian từ 14-28 ngày.
Còn theo tờ Meppener Tagespost của Đức, Đan Mạch đã dựng hàng rào dọc theo biên giới với Đức nhằm ngăn dịch tả lợn, dù Đức và Đan Mạch đều chưa phát hiện ra con lợn nào nhiễm virút. 70 km hàng rào cao 1,5 m đã tốn của Đan Mạch gần 4 triệu euro, nhưng Đan Mạch cho rằng con số này sẽ rất rẻ nếu như ngăn được lợn hoang mang virút ASF lọt vào tàn phá ngành chăn nuôi của nước này.
Dịch ASF đã xuất hiện tại Bỉ và Luxembourg, tại Cộng hòa Séc, nghiêm trọng nhất là tại miền Đông Ba Lan và các nước Baltic.
Từ mấy năm nay, khi dịch ASF bùng phát ở Đông Âu, nhiều người vẫn cho rằng lợn lòi lang thang từ nước này qua nước khác lan truyền virút ASF, dù chưa có bất cứ bằng chứng nào cả. Tuy vậy, các phương tiện truyền thông tại Ba Lan cho rằng virút ASF lan truyền vào các trại lợn thuộc về trách nhiệm của con người. Các cuộc thanh tra từ năm 2015 đến giữa năm 2017 cho thấy ít nhất 74% trại lợn tại Ba Lan không tuân thủ các quy định phòng chống dịch tả như cho lợn ăn thức ăn thừa, hoặc là không tiệt trùng giày ủng và bánh xe đi vào trang trại.
Song song với việc lắp hàng rào ngăn lợn rừng, thậm chí tổ chức xua săn lợn rừng, rồi tiêu hủy ngay các đàn lợn nuôi bị nhiễm tả, các nước đều đề ra nhiều quy định mới liên quan đến vận chuyển lợn sống và thịt lợn tươi. Hiện chưa có vắcxin hay cách nào điều trị được đợt dịch bệnh nguy hiểm này nên phòng ngừa vẫn là biện pháp chủ yếu để hạn chế dịch lan rộng.
Theo tờ Le Quotidien của Luxembourg, hậu quả nghiêm trọng nhất đối với các nước châu Âu có dịch ASF là việc khi một nước chỉ có một trang trại lợn có dịch, nhưng toàn bộ các trang trại lợn trên cả nước đó hay bị cấm xuất khẩu thịt ra nước ngoài. Theo tờ báo này, tình trạng trên gây thiệt hại đáng kể trong bối cảnh Pháp xuất khẩu 10% sản lượng thịt lợn ra bên ngoài thị trường Liên minh châu Âu (EU), tương đương 246.000 tấn/năm, trong đó xuất khẩu 148.000 tấn sang châu Á.
Trong khi đó, Thái Lan đã ban hành lệnh tạm dừng nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc (trừ sản phẩm ruột lợn muối đã qua công đoạn diệt virút ASF theo quy định của OIE), đồng thời tổ chức kiểm soát chặt hành lý của khách du lịch tại sân bay, cửa khẩu, cảng biển, sử dụng chó để phát hiện, mở hành lý kiểm tra nếu nghi ngờ. Ngoài ra, Thái Lan cũng xây dựng, rà soát lại toàn bộ kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch ASF, tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kể cả cán bộ thú y cơ sở để bảo đảm khả năng tự nhận diện và ứng phó với bệnh dịch ASF.
Về phần mình, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc đóng các cửa chợ buôn bán lợn sống, không cho phép vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi địa bàn các tỉnh có bệnh; đồng thời thiết lập các vùng bị dịch đe dọa là 3 km và vùng bảo vệ là 10 km; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ kèm theo việc hỗ trợ tài chính với mức 115 USD/con lợn (không phân biệt lợn to, nhỏ). Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tại hơn hàng chục nghìn địa điểm, bao gồm giám sát lâm sàng và chủ động lấy mẫu xét nghiệm của lợn chết, lợn bệnh.
Ông Martin Friede, nhà nghiên cứu vắcxin của WHO, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng rộng rãi vắcxin phòng cúm mùa, cho rằng điều này không những bảo vệ những người dân mà con giúp các nước có thể nhanh chóng triển khai tiêm vắcxin trong trường hợp bùng phát dịch.
WHO đã mô tả dịch cúm là một trong những thách thức y tế cộng đồng lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê của tổ chức này, các trận dịch cúm, chủ yếu là cúm mùa đã ảnh hưởng khoảng 1 tỷ người, đồng thời cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người mỗi năm. WHO khuyến cáo tiêm phòng vắcxin cúm là cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, đặc biệt đối với các nhân viên chăm sóc y tế và những người có nguy cơ cao bị biến chứng khi mắc cúm.
WHO cũng kêu gọi phát triển các loại vắcxin và các biện pháp điều trị chống virút hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn đối với người dân. Trước đó, thế giới đã phải trải qua nhiều đại dịch cúm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có đại dịch cúm lợn H1N1 khiến hàng chục nghìn người tử vong tại hơn 200 quốc gia.