Tờ New York Times (Mỹ) đánh giá rằng 18 tháng sau khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được ghi nhận, chính phủ nhiều quốc gia tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ đang khuyến khích người dân quay trở lại với cuộc sống thường nhật theo kiểu “bình thường mới” khi dùng phương tiện công cộng, nhà hàng, sân bay. Tất cả đều có chung khẩu hiệu: “Chúng ta phải học sống chung với virus SARS-CoV-2”.
Giáo sư Dale Fisher tại Đại học Quốc gia Singapore, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh lây nhiễm Quốc gia thuộc Bộ Y tế nước này đánh giá: “Cần cảnh báo người dân rằng sẽ có nhiều ca nhiễm. Đó là một phần của kế hoạch, chúng ta phải chấp nhận nó”.
Trong nhiều tháng, người dân Singapore theo dõi sát sao chi tiết về những ca mắc COVID-19 mới. Khi số ca mắc mới lần đầu tiên tăng lên mức 2 con số, dư luận tại quốc đảo này đã lo lắng. Một nhóm chính khách Singapore viết bài bình luận trên tạp chí Straits Times vào tháng 6 nói: “Người dân đang đấu tranh với sợ hãi. Tất cả đều đặt câu hỏi là: Khi nào và bằng cách nào đại dịch sẽ chấm dứt”.
Các quan chức tại Singapore đã tuyên bố kế hoạch nới lỏng dần hạn chế và chuyển hướng chiến lược. Thay vì theo dõi số trường hợp mắc mới, họ sẽ tập trung vào những ca cần phải chăm sóc đặc biệt và dùng máy thở. Biện pháp này đang trong quá trình thử nghiệm.
Dịch COVID-19 đã len lỏi vào nhiều quán karaoke và một cảng cá lớn tại Singapore. Ngày 20/7, chính phủ Singapore tuyên bố thắt chặt các biện pháp, trong đó bao gồm cấm dịch vụ ăn uống tại chỗ. Bộ trưởng Thương mại Singapore Gan Kim Yong cho biết nước này vẫn đi đúng hướng.
Singapore đã tiêm vaccine đủ 2 liều cho 49% dân số nước này và coi Israel là hình mẫu để học tập. Israel cũng chuyển hướng tập trung vào số ca nguy kịch. Hiện tại, Israel cũng đối mặt với số ca mắc mới tăng mạnh. Gần đây, chính phủ nước này tái áp đặt quy định phải đeo khẩu trang tại các không gian kín.
Ông Danny Levy (56 tuổi), công chức người Israel đang chờ xem phim tại một cụm rạp ở Jerusalem, chia sẻ với The New York Times: “Điều đó quan trọng nhưng khá phiền toái”. Levy nói sẽ đeo khẩu trang vào rạp, nhưng ông cảm thấy bực bội khi các quy định hạn chế lại được tái áp đặt do tình trạng yếu kém trong xét nghiệm.
Nhà dịch tễ học Michael Baker tại Đại học Otago ở New Zealand cho biết các quốc gia đang “đi đường tắt” để mở cửa trở lại.
Người New Zealand dường như đã chấp nhận khả năng phải sống chung với các biện pháp hạn chế lâu dài. Trong khảo sát gần đây của chính phủ với 1.800 người New Zealand, có đến 90% cho biết họ không kỳ vọng cuộc sống quay trở lại bình thường bởi vì nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ về COVID-19.
Đến nay, nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp vẫn phải đối mặt với số ca mắc mới tăng mạnh khiến virus có “cơ hội” để sản sinh biến thể. Mới chỉ có 1% những người ở các quốc gia thu nhập thấp được tiêm 1 liều vaccine COVID-19.
Ở Australia, một số chính khách cho rằng nước này cần quyết định lựa chọn giữa việc duy trì hạn chế lâu dài hoặc sống chung với dịch bệnh. Họ cho rằng Australia nên từ bỏ chủ trương “không có ca COVID-19 nào”. Tuy nhiên, mới chỉ có 11% dân số Australia trên 16 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19.
Thủ tướng Australia Scott Morrison vào ngày 2/7 đã tuyên bố về kế hoạch 4 giai đoạn để quay trở về với cuộc sống bình thường, nhưng sau đó lấy biến thể Delta là nguyên nhân để trì hoãn.
Ở những nơi tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19cao như châu Âu, các quốc gia đã đặt cược vào chương trình tiêm chủng, coi đây là “chiếc vé” để đưa họ ra khỏi đại dịch. Mục tiêu của họ hiện nay là giữ số ca tử vong và nhập viện ở mức thấp.
Gần đây, người dân Đức đã tiêm đủ 2 liều vaccine có thể dùng bữa tại nhà hàng mà không cần trình kết quả xét nghiệm âm tính. Họ còn được phép gặp gỡ không hạn chế và đi lại miễn cách ly 14 ngày.
Anh đã tiêm phòng cho gần như tất cả những công dân thuộc nhóm rủi ro nhất và từ ngày 19/7, nước này bắt đầu loại bỏ hầu như tất cả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 bất chấp số ca mắc biến thể Delta tăng. Khi quy định được nới lỏng, chính phủ Anh kêu gọi người dân có trách nhiệm duy trì an toàn. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho rằng nước này cần học cách sống chung với COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung từng chia sẻ: “Bạn nên cho người dân cảm giác về tiến triển thay vì chờ đợi đến một ngày tất cả mọi thứ được mở cửa”.