Ông Nick Clegg, Chủ tịch của Meta - chủ sở hữu Facebook và Instagram, đã hoan nghênh các nguyên tắc của DSA bao gồm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và trao quyền cho người dùng. Ông đã công bố các biện pháp minh bạch và những tùy chọn bổ sung cho người dùng nhằm thực thi các nghĩa vụ mới của công ty theo quy định trong DSA.
Trong khi đó, hai nữ Phó Chủ tịch Google là bà Laurie Richardson và bà Jennifer Flannery O'Connor thông báo tập đoàn công nghệ này đã tăng tiêu chí minh bạch đối với các quảng cáo, cũng như mở rộng việc tiếp cận dữ liệu cho các nhà nghiên cứu. Google cũng vừa thiết lập Trung tâm minh bạch mới, đi đôi với mở rộng báo cáo minh bạch cùng cam kết phân tích các rủi ro.
Về phần mình, Booking.com thông báo trang web du lịch trực tuyến này hiện có một trang riêng thống kê số lượng người dùng hằng tháng có đạt 45 triệu người hay không (tiêu chí để đủ điều kiện là VLOSE theo quy định của DSA), đồng thời tạo lập một kho lưu trữ thông tin về các quảng cáo hiển thị trên trang web này.
Mạng xã hội Pinterest có chức năng chia sẻ ảnh cho biết họ cung cấp đường dẫn (link) để người dùng báo cáo nội dung bất hợp pháp theo quy định của EU. Bên cạnh đó, một đầu mối liên lạc duy nhất đã được thiết lập với các chính quyền địa phương để có thể liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Theo ứng dụng tin nhắn bằng hình ảnh Snapchat, người dùng hiện có khả năng kiểm soát nội dung hiển thị. Bên cạnh đó, một quy trình thông báo và kháng nghị mới đã được đưa ra để xóa nội dung hoặc tài khoản. Snapchat cũng đã cập nhật việc quảng cáo của ứng dụng này.
Trong khi đó, TikTok cho biết nền tảng chia sẻ video ngắn hiện có 134 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng. Hơn 1.000 người đã làm việc để đảm bảo tuân thủ DSA. Những thay đổi chính của TikTok bao gồm tùy chọn báo cáo bổ sung có sự tư vấn, giám sát của nhóm điều hành và chuyên gia pháp lý; tùy chọn tắt tính năng cá nhân hóa cho các nguồn cấp dữ liệu phổ biến; việc tạo lập một thư viện nội dung thương mại; quyền truy cập nghiên cứu giao diện lập trình ứng dụng (API) để các học giả châu Âu sử dụng TikTok; dán nhãn nội dung thương mại; và hạn chế việc quảng cáo theo hướng cá nhân hóa đối với người dùng dưới 18 tuổi.
Theo DSA, các nền tảng trực tuyến hiện phải đánh giá và giảm thiểu rủi ro hệ thống, đồng thời cung cấp các công cụ kiểm duyệt nội dung mạnh mẽ. DSA cũng khuyến khích các nền tảng chia sẻ dữ liệu của họ với các nhà nghiên cứu. Điều này sẽ giúp hiểu và giám sát tốt hơn cách thức những nền tảng này hành động để giải quyết rủi ro, chẳng hạn như hạn chế các phát ngôn kích động thù hận.
Với những nghĩa vụ mới được đặt ra cho các nền tảng trực tuyến, Đạo luật DSA hướng đến điều chỉnh các nghĩa vụ của dịch vụ kỹ thuật số kết nối người tiêu dùng với hàng hóa, dịch vụ hoặc nội dung để bảo vệ người dùng trực tuyến.
Theo kế hoạch, đến ngày 17/2/2024, chính quyền các nước thành viên EU phải bổ nhiệm các Điều phối viên Dịch vụ Kỹ thuật số và những nhân sự này sẽ hợp tác chặt chẽ với EC để thực thi DSA. Theo đó, các dịch vụ trực tuyến không tuân thủ đạo luật này có thể phải nộp tiền phạt tương ứng 6% doanh thu toàn cầu của họ. Tòa án cũng có thể đình chỉ các nền tảng nếu những tập đoàn này từ chối hợp tác.
Ngày 25/4 năm nay, EC đã công bố danh sách 19 VLOP và VLOSE có ít nhất 45 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng. Danh sách các VLOP gồm Alibaba AliExpress, Amazon Store, Apple AppStore, Booking.com, Facebook, Google Play, Google Maps, Google Mua sắm, Instagram, LinkedIn, Pinterest, Snapchat, TikTok, Twitter, Wikipedia, YouTube và Zalando. Trong khi đó, 2 VLOSE là Bing và Google Search. Đến ngày 17/2/2024, tất cả các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm khác hoạt động tại EU sẽ phải tuân thủ DSA.