Các đơn kiện đệ trình lên Tòa án Thương mại quốc tế tại thành phố New York (Mỹ) đã bày tỏ lo ngại về mức thuế quan do Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Hãng sản xuất ô tô điện Tesla cho rằng hành động này là "tùy tiện, thất thường và lạm dụng quyền tự quyết".
Mỹ và Trung Quốc đã vướng vào cuộc tranh chấp thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền từ năm 2017. Các mức thuế nêu trên được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng mở rộng về quy mô, và hiện tại các nhà sản xuất ô tô đang yêu cầu được hoàn trả thuế, cũng như các khoản tiền chi trả cho các linh kiện nhập khẩu. Động thái áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm giới hạn sự phụ thuộc của các nhà sản xuất Mỹ đối với công nghệ của Trung Quốc.
Đầu năm nay, Trung Quốc và Mỹ đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một nhằm chấm dứt một phần những tranh cãi này. Theo đó, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ và Washington giảm thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD, đặc biệt là hàng điện tử tiêu dùng. Mỹ cũng cắt giảm 50% trong mức thuế 15% đối với lượng hàng hóa trị giá 120 tỷ USD, nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu mà một số nhà sản xuất ô tô đã nêu trong đơn kiện nói trên. Bắc Kinh đã trả đũa các mức áp thuế này, trong khi Washington đang hướng tới cả mục tiêu giảm thâm hụt thương mại trong nước lẫn cải cách các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc, điều mà Washington đánh giá là "không công bằng".
Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 7 vừa qua đã tăng gần 11% lên 63,6 tỷ USD, trong đó thâm hụt với Trung Quốc lên mức 28,3 tỷ USD.