Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hiện khoảng 1/5 lượng dầu thô của thế giới được vận chuyển qua Eo biển Hormuz và các công ty tàu biển đang triển khai thêm các nhân viên an ninh không vũ trang nhằm tăng cường đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trong một khuyến cáo chung đưa ra ngày 22/7, các hiệp hội thương mại đề nghị thuyền trưởng các tàu đăng ký với Cơ quan giám sát các hoạt động thương mại hàng hải Vương quốc Anh - bộ phận liên lạc của Hải quân Hoàng gia Anh - và cung cấp kế hoạch di chuyển trong vòng từ 24-48 giờ trước khi đi vào khu vực này. Các thông tin cần cung cấp bao gồm quốc tịch của các thành viên thủy thủ đoàn và thông số tốc độ của tàu.
Các thông tin này sẽ được chuyển tới Hải quân Mỹ cũng như hải quân các nước khác tham gia các nỗ lực thúc đẩy một sáng kiến an ninh đa phương do Mỹ đứng đầu, được gọi là Chiến dịch Sentinel. Washington cho biết kế hoạch này nhằm tăng cường giám sát và đảm bảo an ninh tại các tuyến đường biển chủ chốt ở Trung Đông.
Cùng ngày, phát biểu tại Quốc hội Anh, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết London sẽ thúc đẩy triển khai một sứ mệnh bảo vệ trên biển do châu Âu đứng đầu, nhằm bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền di chuyển qua Eo biển Hormuz.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Anh và Iran leo thang. Ngày 19/7 vừa qua, giới chức Iran thông báo đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh có hành trình tới một hải cảng ở Saudi Arabia nhưng đã bất ngờ đổi lộ trình sau khi đi qua eo biển tại vùng Vịnh. Phía Iran cho biết tàu này bị bắt giữ do "vi phạm luật hàng hải quốc tế". Trước đó vài giờ, một tòa án của vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh thông báo sẽ gia hạn giữ tàu "Grace 1" của Iran thêm 30 ngày. Đây là tàu chở dầu của Iran bị chính quyền Gibraltar bắt giữ ngày 4/7 trong một chiến dịch có sự phối hợp của lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh với lý do tàu này vi phạm các trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria.