Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh lưu niệm tại một hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một tuyên bố gửi tới giới truyền thông và được đăng tải trực tuyến, nhóm "C40" gồm các thị trưởng của những thành phố lớn trên thế giới, trong đó có các thủ đô Washington (Mỹ), Berlin (Đức), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản) và Sydney của Australia đã hối thúc các nhà lãnh đạo G20 đại diện cho hàng trăm triệu người dân giữ cam kết đối phó với biến đổi khí hậu, một trong những vấn đề cấp bách nhất của thế giới hiện nay. Các thị trưởng cũng hối thúc các nhà lãnh đạo và người dân ký vào văn bản này nhằm ủng hộ những nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Tuyên bố nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta phải hành động cùng nhau nhằm cứu lấy hành tinh này”. Danh sách các thị trưởng ký vào văn bản trên cũng bao gồm cả những người đứng đầu các thành phố Karachi (Pakistan); Vancouver và Montreal của Canada; Rio de Janeiro (Brazil); Melbourne (Australia); Chicago (Mỹ) cùng các thủ đô Warsaw (Ba Lan) và Seoul (Hàn Quốc).
Tuyên bố nhấn mạnh “điều quan trọng hơn bao giờ hết là quyết tâm của 19 nhà lãnh đạo còn lại tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới trong nỗ lực bảo vệ tương lai của hành tinh chúng ta” trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/6 chính thức công bố quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Dự kiến, các nhà lãnh đạo G20 sẽ nhóm họp tại Hamburg (Hăm-buốc) của Đức vào ngày 7 và 8/7 tới.
Các thị trưởng nói trên, đứng đầu là Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, cho biết “tinh thần” của hơn 300 thị trưởng các thành phố trên khắp nước Mỹ, những người cam kết theo đuổi Hiệp định Paris bất chấp quyết định trên của ông Trump, đã tạo động lực khích lệ tinh thần của thị trưởng các thành phố lớn khác trên thế giới.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được EU và 194 nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 11/2016, với những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi hiệp định này vì cho rằng hiệp định trên không có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế Mỹ, làm cho nhiều người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ và khiến cho nước này rơi vào thế bất lợi.