Ngoài ông Mullah, trong số các thủ lĩnh cấp cao khác của Taliban đã có mặt tại Kabul trong những ngày gần đây còn có Khalil Haqqani - một trong những đối tượng khủng bố từng bị Mỹ truy nã gắt gao nhất. Washington đã treo thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin để bắt được nhân vật này.
Theo các kênh truyền thông xã hội ủng hộ lực lượng Taliban, Khalil đã có cuộc gặp với ông Gulbuddin Hekmatyar, một người có ảnh hưởng tới chính trường Afghanistan. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Taliban đã tiết lộ với báo giới rằng ông Mullah sẽ gặp "các thủ lĩnh thánh chiến và các chính trị gia để bàn về việc thành lập chính phủ toàn diện ".
Ông Mullah từng bị bắt ở Pakistan vào năm 2010 và bị giam giữ cho đến khi được trả tự do vào năm 2018. Sau đó, ông chuyển tới sống ở Qatar, rồi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Văn phòng chính trị của Taliban tại Doha. Ông Baradar trở về Afghanistan ngày 17/8 vừa qua, song thành phố đầu tiên tại Afghanistan mà ông tới là Kandahar - thành phố lớn thứ 2 của quốc gia Trung Nam Á này, đồng thời là nơi được xem là "cội nguồn tinh thần" của lực lượng Taliban.
Bên cạnh đó, Anas Haqqani - thủ lĩnh chủ chốt của nhóm chiến binh Mạng lưới Haqqani (một nhánh quan trọng thuộc Taliban) - cũng đang ở thủ đô Kabul. Ông Anas đã có cuộc gặp mặt với cựu Tổng thống Hamid Karzai và Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Dân tộc Tối cao Afghanistan (HCNR) Abdullah Abdullah.
Theo một người phát ngôn của Taliban, lực lượng này dự kiến công bố cơ cấu chính phủ mới cho Afghanistan trong vài tuần tới.
Quan chức này ngày 21/8 cho biết: “Các chuyên gia luật pháp, tôn giáo và chính sách đối ngoại của Taliban đặt mục tiêu giới thiệu cơ cấu chính phủ mới trong vài tuần tới”. Theo người phát ngôn của Taliban, mô hình chính phủ mới của Afghanistan không hẳn là một nền dân chủ theo định nghĩa của phương Tây nhưng sẽ bảo vệ quyền của tất cả mọi người. Taliban sẽ tiếp tục tham vấn với các cựu lãnh đạo của Afghanistan, lãnh đạo các nhóm quân sự riêng lẻ. Trong các cuộc thảo luận hiện nay, Taliban đang thảo luận cách thức đảm bảo rằng các lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan “một cách thân thiện”.