Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các hành động được đề xuất bao gồm cung cấp nguồn cung lương thực khẩn cấp và triển khai hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình và quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại không bị cản trở và đầu tư vào sản xuất lương thực bền vững và an ninh dinh dưỡng.
Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass, Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva, Giám đốc Điều hành WFP David Beasley và Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã đưa ra tuyên bố chung trước Hội nghị mùa Xuân của IMF và Nhóm Ngân hàng Thế giới vào tuần tới. Tuyên bố nhấn mạnh thế giới đang bị rung chuyển bởi các cuộc khủng hoảng kép.
Hậu quả của xung đột ở Ukraine đang làm gia tăng tác động của đại dịch COVID-19, vốn đã bước sang năm thứ ba, trong khi biến đổi khí hậu và xung đột, bất ổn gây ra những tổn hại dai dẳng cho người dân trên toàn cầu. Giá các mặt hàng chủ lực ngày càng cao, trong khi việc thiếu nguồn cung đang gia tăng áp lực lên các hộ gia đình trên toàn thế giới và đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói.
Các quốc gia nghèo nhất đối mặt nguy cơ lớn nhất do nhập khẩu thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng, tuy nhiên mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia có thu nhập trung bình, nơi tập trung nhiều người nghèo trên thế giới, cũng đang gia tăng. Theo cảnh báo của WB, mỗi lần giá lương thực tăng 0,01% sẽ khiến thêm 10 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực trên toàn thế giới.
Việc tăng giá lương thực càng trở nên trầm trọng hơn do giá khí đốt tự nhiên, một thành phần chính của phân đạm, tăng mạnh. Giá phân bón tăng cùng với việc cắt giảm đáng kể nguồn cung toàn cầu có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất lương thực ở hầu hết các quốc gia, bao gồm cả các nhà sản xuất và xuất khẩu lớn, những người phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phân bón. Sự gia tăng giá lương thực và những cú sốc về nguồn cung có thể gây bất ổn xã hội ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, đặc biệt là những quốc gia vốn đã manh nha hoặc bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Những người đứng đầu các tổ chức quốc tế đã kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương thông qua phối hợp hành độn trong cung cấp lương thực khẩn cấp, hỗ trợ tài chính, tăng cường sản xuất nông nghiệp và mở cửa thương mại. Các lãnh đạo WB, IMF, WFP và WTO cam kết phối hợp chuyên môn và nguồn tài chính của mình để nhanh chóng đẩy mạnh chính sách và hỗ trợ tài chính nhằm giúp đỡ các quốc gia và hộ gia đình dễ bị tổn thương cũng như tăng cường sản xuất nông nghiệp trong nước và cung cấp cho các quốc gia bị ảnh hưởng.
Các tổ chức đa phương nhấn mạnh có thể giảm thiểu áp lực cán cân thanh toán và làm việc với tất cả các quốc gia để giữ cho dòng chảy thương mại được thông thoáng, đồng thời tăng cường hơn nữa việc giám sát các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng thực phẩm và nhanh chóng mở rộng tư vấn chính sách nhiều mặt cho các quốc gia bị ảnh hưởng.
Trong tuyên bố chung, lãnh đạo các tổ chức quốc tế kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp hỗ trợ các nhu cầu cấp thiết về tài chính, bao gồm các khoản tài trợ. Điều này nên bao gồm tài trợ cho nguồn cung cấp thực phẩm ngay lập tức, mạng lưới an toàn để đáp ứng nhu cầu của người nghèo và cho các hộ nông dân nhỏ đang phải đối mặt với giá đầu vào cao hơn. Các tổ chức đa phương cũng kêu gọi tất cả các nước giữ cho thương mại cởi mở và tránh các biện pháp hạn chế như cấm xuất khẩu thực phẩm hoặc phân bón làm trầm trọng thêm những khó khăn của nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Điều đặc biệt quan trọng là không áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với việc mua thực phẩm nhân đạo của WFP.
Cùng ngày, giới chức Liên minh châu Âu (EU) và Pháp đã có cuộc thảo luận với WFP về tác động của cuộc xung đột Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu. Giới chức châu Âu đã kêu gọi cộng quốc tế cùng chia sẻ nỗ lực để hỗ trợ các nước nghèo và cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất do cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời bày tỏ quyết tâm xây dựng biện pháp ứng phó chung trước cuộc khủng hoảng trên.
Các bên cũng thảo luận sáng kiến Sứ mệnh kiên cường nông nghiệp và thực phẩm (FARM) do Pháp đề xuất. Sáng kiến này nhằm đảm bảo dòng chảy hàng hóa và thương mại nông nghiệp, hỗ trợ WFP trong việc tạo điều kiện cho các quốc gia dễ bị tổn thương có thể tiếp cận với nguồn cung thực phẩm với giá cả hợp ký, đồng thời thúc đẩy việc sản xuất thực phẩm bền vững trong khu vực và địa phương. Điều này sẽ giúp đảm bảo an ninh dinh dưỡng và thực phẩm trong dài hạn tại các những nước dễ bị tổn thương.