Hơn 50 năm sau kể từ khi Tổng thống Eisenhower đưa ra lời cảnh báo, dân chúng Mỹ nhận ra rằng họ đang bị kéo vào một cuộc chiến không hồi kết
Một thế lực trong nền chính trị MỹCác tổ hợp, nhà thầu quốc phòng, an ninh là người hưởng lợi lớn nhất từ các cuộc chiến do Mỹ phát động. Ảnh: AFP |
Tháng 1/1961, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã mượn bài phát biểu mãn nhiệm của mình để lên tiếng cảnh báo về một một mối đe dọa mà ông cho là lớn nhất: Một cuộc chiến không hồi kết – với tác nhân là các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, bao gồm các nhà thầu quân sự và giới vận động hành lang (lobby).
Ông Eisenhower nói rằng, một bộ máy quân sự khổng lồ cùng với một nền công nghiệp vũ khí quy mô lớn đã trở thành một thế lực giấu mặt trong nền chính trị Mỹ; người dân Mỹ không được phép lơ là những tác động chết người mà xu hướng này gây ra. Bài phát biểu này được xem là hành động can đảm và có tính dự báo cao nhất của ông Eisenhower. 50 năm sau đó, người Mỹ nhận ra hình ảnh của họ trong cuộc chiến không hồi kết kia: Ngay sau khi tuyên bố rút quân khỏi Iraq, giới chức Mỹ lại lên tiếng can thiệp vào các điểm nóng ở Libya, Syria hay Iran. Khi mà cuộc chiến không hồi kết là nhân tố gây ra những tổn hại vô tận đối với nhiều gia đình, thì nó cũng đồng nghĩa với món lời vô tận cho các tổ hợp quân sự.
Nền công nghiệp quốc phòng Mỹ được nuôi dưỡng bởi một thứ kẻ thù mờ ảo, không rõ mặt - những kẻ khủng bố. Cựu Tổng thống George W Bush cùng nhóm cố vấn thân cận cứ nằng nặc đòi gọi các nỗ lực chống khủng bố này là một “cuộc chiến”. Động thái này lại được phụ họa thêm bởi những nhân vật lãnh đạo khác như cựu Phó Tổng thống Dick Cheney (trước đó là Giám đốc điều hành của nhà thầu quân sự Halliburton). Sự thực rất đơn giản: Phát động cuộc chiến không chỉ giúp Tổng thống thể hiện quyền lực tối thượng, mà còn là cách để tăng ngân sách cực đại cho các bộ máy quốc phòng, an ninh nội địa.
Một liên minh mới giữa các tập đoàn, nhà thầu vũ khí, Bộ Quốc phòng, An ninh Nội địa cùng với những nhân vật chuyên vận động hành lang đã làm suy yếu một hệ thống mà ông Eisenhower cảnh báo người Mỹ cần phải “bảo vệ trước sự tiếm quyền vô lý của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng”. Có một điều dễ thấy: chiến tranh không phải là nhu cầu của người dân Mỹ. Một nghiên cứu cho thấy, phí tổn cho cuộc chiến này do 75% từ các gia đình thuộc tầng lớp công nhân – những người chẳng thiết chiến tranh chút nào, chi trả. Nếu còn sống, chắc ông Eisenhower sẽ phải giật mình trước quy mô của thế lực trong chính phủ và nền công nghiệp quốc phòng Mỹ gắn với các hoạt động chống khủng bố!
Liên minh tay ba trong nền kinh tế dựa vào cỗ máy chiến tranhHàng trăm tỉ USD mỗi năm chảy từ ngân khố quốc gia đến bộ, ngành và nhà thầu quốc phòng – những kẻ có động cơ trong việc đẩy đất nước luôn trong trạng thái chiến tranh và sẵn sàng thanh toán hóa đơn cho các cuộc chiến đó. Trên khắp nước Mỹ, nền kinh tế dựa trên chiến tranh có thể dễ dàng nhận thấy - từ các sắc lệnh chống khủng bố của Bộ An ninh Nội địa cho đến các chương trình an ninh ở sân bay do các công ty tư nhân đảm trách.
Các tổ hợp, nhà thầu sản xuất, cung cấp thiết bị quân sự an ninh là mắt xích then chốt nhất của liên minh tay ba này. Trong 8 năm qua, hàng nghìn tỉ USD đã chảy vào các công ty, nhà thầu quốc phòng và an ninh. Đơn cử như: Khi chính phủ Mỹ phát động cuộc chiến nhằm vào Libya, đó là món lời “trên trời rơi xuống” đối với các các tập đoàn này – lý do là họ sẽ ngay lập tức có được các hợp đồng cung cấp vũ khí mới để thay thế cho số bom đạn, tên lửa vừa được sử dụng. Chỉ tính 10 ngày tham chiến ở Libya, Mỹ đã chi tiêu khoảng 550 triệu USD và một khoản tiền tương ứng sẽ lại được dùng để mua sắm vũ khí bổ sung.
Có hàng ngàn người chuyên vận động hành lang ở Washington để bảo đảm rằng ngân sách cho chiến tranh và an ninh nội địa sẽ chỉ tăng, không giảm. Một trường hợp điển hình trong số đó là cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Michael Chertoff - người cổ vũ việc mua sắm hàng loạt các hệ thống máy soi chiếu lắp đặt ở các sân bay, vốn bị chỉ trích gay gắt. Ông Chertoff đã bỏ ra hàng chục buổi trả lời phỏng vấn chỉ để thuyết phục công chúng Mỹ về sự cần thiết của dự án này nhằm chống lại mối nguy khủng bố; nhưng có điều, ông chẳng hề tiết lộ rằng những nhà sản xuất thiết bị đó là khách hàng của Tập đoàn Chertoff Group chuyên tư vấn an ninh mà ông là người lãnh đạo. Những người như Chertoff luôn duy trì một sức ép đối với các chính trị gia bằng việc tạo dựng ngân sách cho chống khủng bố.
Các bộ, ngành chính phủ là một chân kiềng không thể thiếu trong mối liên hệ tay ba này. Chính nền kinh tế dựa vào chiến tranh đã cho phép Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa trở thành những thiết chế “không thể sờ tới”. Các chương trình môi trường, phúc lợi xã hội có thể bị cắt giảm hàng tỉ USD, nhưng khoản ngân sách liên quan đến chiến tranh thì tiếp tục phình to, để đối phó với “các mối đe dọa mới”. Ngoài hai bộ trên, còn phải kể đến kẻ hưởng lợi khác – Bộ Tư pháp. Cỗ máy chống khủng bố khổng lồ đã tạo ra nhu cầu thuê mướn hàng chục ngàn nhân viên với chi phí hàng tỉ USD, làm mỗi nhiệm vụ tìm kiếm những kẻ bị nghi là khủng bố trong lòng nước Mỹ. Bộ Tư pháp là cơ quan đảm trách hoạt động này – từ việc theo dõi người nhập cư đến gian lận thẻ tín dụng bị coi là tiềm ẩn nguy cơ khủng bố.
Một nền kinh tế dựa vào cỗ máy chiến tranh sẽ đi kèm với một nền chính trị phụ thuộc chiến tranh. Bất chấp việc đa số người dân Mỹ phản đối việc chính quyền theo đuổi các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, các tổ hợp quân sự vẫn dễ dàng nhận được sự hậu thuẫn cần thiết từ các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đó là minh chứng cho tầm ảnh hưởng của liên minh tay ba này trong nền chính trị Mỹ: hàng trăm tỉ USD vẫn cứ được rót cho các chương trình ở hai điểm nóng trên, trong khi nhiều tỉ USD trong các chương trình phúc lợi xã hội khác thì lại bị cắt giảm.
Chiến tranh là địa ngục với nhiều người, nhưng lại là thiên đường cho một số kẻ trong một nền kinh tế dựa vào chiến tranh!
HT (aljazeera)