Các trường đại học của Canada nỗ lực 'giữ chân' sinh viên quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, các trường đại học của Canada đang nỗ lực để "giữ chân" sinh viên quốc tế, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế đi lại, các quy định về cách ly, cùng xu hướng học trực tuyến đang có nguy cơ làm giảm một trong những nguồn thu chủ lực của các trường.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay ở Toronto, Canada. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Mọi phương án đều đang được cân nhắc từ dịch vụ đưa đón sinh viên tới nơi cách ly, cung cấp suất ăn, kiểm tra y tế hàng ngày, thậm chí là tổ chức các chuyến bay thuê để đưa sinh viên tới Canada khi khóa học mùa thu sắp bắt đầu.

Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ, số sinh viên quốc tế tại các trường đại học của Canada đã tăng gấp 3 lên tới khoảng 500.000 học sinh trong năm 2019. Việt Nam hiện có khoảng 21.000 du học sinh tại Canada, là một trong 5 nước đứng đầu về số lượng và một trong 3 nước dẫn đầu về tốc độ tăng sinh viên trong năm qua.

Sinh viên quốc tế thường phải trả học phí cao gấp 2 đến 5 lần so với sinh viên Canada, đóng góp khoảng 6 tỷ CAD (4,42 tỷ USD) mỗi năm cho các trường đại học/cao đẳng, tương đương một nửa nguồn thu học phí tại các trường của Canada. Do mức tài trợ của chính quyền tỉnh bang dành cho các trường đại học có xu hướng giảm trong thập kỷ qua, nguồn học phí này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các trường.

Nhìn chung, các trường đại học tại Canada đang phải đối mặt với nguy cơ giảm nguồn thu học phí từ sinh viên quốc tế từ 10% - 35%. Đặc biệt, những trường đã nhận nhiều sinh viên quốc tế trong những năm gần đây, được dự báo sẽ gặp rủi ro lớn trong ngắn hạn, chẳng hạn như trường Cape Breton có gần 2/3 sinh viên là sinh viên quốc tế, hay trường Saint Mary’s với gần 1/3 sinh viên đến từ nước ngoài. 

Đại học Toronto, nơi sinh viên nước ngoài chiếm 1/4 tổng số sinh viên của trường, đã lên kế hoạch chi tiết đón sinh viên từ sân bay tới khu ký túc xá, thậm chí là tới các khách sạn, để thực hiện cách ly trong 2 tuần. Trong trường hợp cần thiết, trường sẵn sàng đặt hàng trăm phòng khách sạn. Trường cũng sẽ chuẩn bị bộ đồ dùng trong thời gian cách ly cho sinh viên, trong đó có cả nhiệt kế để đo nhiệt độ hàng ngày. Các bữa ăn và các tiện nghi khác cũng sẽ được cung cấp, khi sinh viên được yêu cầu nói chuyện video mỗi ngày một lần với nhân viên y tế. Hiện vẫn chưa rõ về nguồn tài chính để chi trả cho các dịch vụ này. Đại học Torono và một số trường khác đã thảo luận với chính phủ liên bang và chính quyền tỉnh bang, nhưng các bên chưa đạt được một thỏa thuận cụ thể.

Khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là năm học mới bắt đầu, các trường đại học của Canada đang vấp phải hàng loạt rào cản về hậu cần, và hiện vẫn chưa rõ liệu các sinh viên có được phép nhập cảnh Canada hay không.

Theo các quan chức Bộ Nhập cư Canada, còn quá sớm để nói về những hạn chế liên quan đến đi lại và y tế sẽ được áp dụng trong những tháng tới. Quá trình xét duyệt thị thực đã chậm lại đáng kể do đại dịch. Các trường hiện vẫn chưa biết liệu những sinh viên có giấy phép học tập được cấp sau thời điểm trung tuần tháng 3 có được phép vào Canada khi năm học mới bắt đầu hay không.

Trong khi đó, gia đình các du học sinh quốc tế cũng đang băn khoăn về vấn đề an toàn khi đi lại, cũng như mức học phí phải trả cho một năm học tại Canada với kế hoạch giảng dạy trực tuyến chưa rõ ràng. Các sinh viên có thể bắt đầu học trực tuyến ngay tại quê nhà, nhưng nhiều trường đại học lo ngại rằng sinh viên không sẵn sàng trả học phí cao mà không có những trải nghiệm tại Canada.

Theo giới quan sát, mặc dù đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây khó khăn cho Canada trong việc thu hút sinh viên quốc tế, nhưng Canada vẫn nổi trội hơn nếu so với các nước khác, chẳng hạn như Mỹ. Tuy nhiên, một số công ty tư vấn du học tại Ấn Độ đang khuyến nghị sinh viên cân nhắc học trực tuyến tại quê nhà và chờ đến mùa đông năm 2021 để tới Canada.

Các sinh viên lo ngại rằng ngay cả khi họ tới Canada, các lớp học cũng sẽ được thực hiện chủ yếu dưới hình thức trực tuyến. Điều này đồng nghĩa họ phải chi thêm hàng nghìn USD cho việc ăn ở và các chi phí khác, dù vẫn có thể học trực tuyến tại quê nhà. Nhiều sinh viên cũng lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp cao tại Canada và không thể tìm được việc làm bán thời gian để bù đắp chi phí sinh hoạt.

Hương Giang (TTXVN)
Canada chào đón lao động nước ngoài muốn 'nhảy việc' khỏi Mỹ
Canada chào đón lao động nước ngoài muốn 'nhảy việc' khỏi Mỹ

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh ngưng cấp một số visa lao động cho người nước ngoài cho đến cuối năm 2020, Canada đã bật đèn xanh để chào đón nhân lực tài năng ngoại quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN