Không thể trông chờ hoàn toàn vào tự giác
Theo Bloomberg, tại bang Victoria của Australia, nơi ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục, khoảng 3.000 cuộc kiểm tra hồi tháng trước với những người lẽ ra phải cách ly ở nhà cho thấy có tới 800 người ra ngoài.
Tại Nhật Bản, nơi virus đang bùng phát trở lại, mọi người ở nhà nhưng không cách ly với người thân. Điều đó thể hiện qua con số 40% bệnh nhân lớn tuổi nhiễm virus từ người thân sống cùng nhà. Thậm chí có người ở Tokyo biết mình nhiễm virus vẫn bắt xe buýt đi khắp nước.
Thất bại trong quản lý hiệu quả người mang virus nhưng có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng là nguyên nhân khiến dịch bùng phát trở lại mạnh ở một số nơi trên thế giới.
Ông Jeremy Lim, trợ giáo tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định: “Biện pháp để cho mọi người tự giác, tự chịu trách nhiệm đã không hiệu quả vì sẽ luôn có một số người vi phạm quy định cách ly”. Do đó, chiến lược cách ly bắt buộc là cần thiết vì một số người sẽ không tự giác khi ở nhà.
Theo ông Nicholas Thomas, Phó giáo sư tại Đại học Hong Kong, cho rằng thà quyết liệt trong thời gian ngắn với cá bệnh nhân nhẹ còn hơn là để họ ra ngoài tầm kiểm soát.
Cách ly tập trung
Một đặc điểm của đại dịch COVID-19 là luôn có một nhóm lớn người mang virus nhưng không có triệu chứng bệnh. Đây là nhân tố chính khiến virus lây lan nhanh khắp toàn cầu. Khác với các đợt bùng phát dịch trước đây như dịch SARS năm 2003, nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 không ốm tới mức phải ở nhà và do đó họ lây virus khắp nơi khi vẫn sống cuộc sống hàng ngày.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ước tính có 40% ca COVID-19 không có triệu chứng.
Tại Vũ Hán (Trung Quốc), bệnh nhân nhẹ ban đầu bị bệnh viện cho về nghỉ ngơi tại nhà vì hệ thống y tế quá tải cần tập trung vào các ca nặng nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế sớm nhận ra rằng những ca bệnh nhẹ này sẽ lây nhiễm cho người nhà và người khác khi họ đi khắp nơi trong cộng đồng, dẫn tới một loạt ca bệnh mới.
Đưa bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng vào cơ sở cách ly tập trung để chăm sóc y tế cơ bản là bước ngoặt trong cuộc chiến chống COVID-19 của Vũ Hán. Chỉ cần tách họ ra khỏi người khỏe mạnh là đã ngăn được quá trình lây nhiễm âm thầm trong cộng đồng.
Chiến lược này đã được sử dụng ở Italy, Singapore và Hàn Quốc tại đỉnh dịch đầu năm nay. Khi đối mặt với số ca nhiễm tăng vọt trong tháng 7, Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc cũng đã biến một trung tâm triển làm thành nơi cách ly bệnh nhân COVID-19 nhẹ.
Ở New Zealand, chính phủ đã suy nghĩ kỹ lưỡng trong thực thi chính sách cách ly bắt buộc và đề nghị thành viên gia đình của các bệnh nhân cách ly tập trung cùng họ nếu họ cần chăm sóc. Khi xuất hiện chùm ca bệnh mới trong tuần này sau 120 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, New Zealand đã nhanh chóng thực hiện chiến lược cách ly bắt buộc. 17 người, trong đó có hai trẻ em dưới 10 tuổi, đã được đưa vào khu cách ly tập trung.
Bài học từ Italy, Hàn Quốc và một số nước khống chế thành công các ổ dịch quy mô lớn cho thấy biện pháp để cắt đứt đường lây nhiễm là đưa người nhiễm virus ra khỏi nhà vào khu cách ly tập trung. Tại đây, họ sẽ dần hết bệnh mà không cần ở lâu quá vài tuần.
Biện pháp này hiệu quả vì nó ngăn chặn mọi người lây nhiễm cho người cùng nhà. Nghiên cứu trên tạp chí Lancet cho thấy 80% ca nhiễm chùm ở các thành phố Trung Quốc là người cùng nhà sau khi bệnh nhân nhẹ được phép ở nhà tự theo dõi. Tại châu Âu, số ca mắc bệnh ở người cùng nhà tăng mạnh đã khiến thành phố Milan ở Italy bắt đầu đưa các ca bệnh nhẹ vào khách sạn cách ly, từ đó giúp đất nước này kiểm soát được dịch bệnh hồi đầu tháng 5.
Thách thức
Tuy nhiên, cách ly tập trung bắt buộc bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng đã bị phản ứng ở một số quốc gia. Một số người có thể mất việc nếu không đi làm hai tuần hoặc họ phải chăm sóc con nhỏ, bố mẹ già và không thể tách ra.
Những nước vẫn duy trì số ca nhiễm đều trong thời gian qua như Australia và Mỹ không áp dụng chính sách này rộng rãi. Lý do là các nước này không sẵn sàng hoặc không thể thực hiện cách ly tập trung. Đây là thách thức mà các nền dân chủ tự do phải đối mặt khi người dân không chấp nhận các biện pháp đòi hỏi cá nhân phải hy sinh vì lợi ích tập thể.
Giáo sư y khoa cộng đồng Stephen Leeder thuộc Đại học Sydney nói: “Xét tâm lý người Australia mà tôi biết, tôi cho rằng cách này sẽ không suôn sẻ”. Do đó, tại Melbourne (Australia), thay vì cách ly bắt buộc ca bệnh nhẹ, giới chức phải phong tỏa 5 triệu dân và thắt chặt hạn chế cho tới khi kiểm soát được các ca bệnh mới.
Để thực thi lệnh phong tỏa, chính quyền vừa kết hợp kiểm tra vừa phạt tiền để người nhiễm virus phải ở nhà. Người nào vi phạm liên tục sẽ bị phạt nặng và phải ra tòa. Trên 500 binh sĩ được điều động để hỗ trợ cảnh sát kiểm tra 4.000 hộ gia đình hàng ngày.
Ở những nơi như Venezuela và Ấn Độ - nơi điều kiện tại cơ sở cách ly nghèo nàn, nhiều người tránh xét nghiệm hoặc nói dối vì sợ bị phát hiện nhiễm virus và bị đưa vào khu cách ly. Tình hình đó khiến công việc của giới chức y tế thêm khó khăn.
Ở một số nước như Đức, chính phủ lại không cần áp dụng chiến lược cách ly tập trung vì có năng lực truy vết người tiếp xúc kỹ càng và theo dõi ca bệnh thành công. Đức có nhân lực hiệu quả để trùy tìm mọi chuỗi lây nhiễm – điều mà không nhiều quốc gia có thời gian và nguồn lực để thực hiện.
Bà Yang Gonghuan, cựu Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nhận định: “Biện pháp kinh điển trong y tế công cộng vẫn là xác định, truy vết và cách ly. Tuy nhiên, cách thực hiện lại tùy vào tâm lý người dân và nguồn lực từng nước”.