Cách tốt nhất làm dịu căng thẳng Nhật - Trung

Trong khi cả thế giới vẫn đang tập trung vào tình hình Ukraine thì máy bay và tàu chiến của Nhật Bản và Trung Quốc hầu như ngày nào cũng “gặp gỡ” nhau gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư theo cách gọi của mỗi nước.


Nguy cơ va chạm quân sự nguy hiểm ở đây bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 nhưng mới chỉ bùng phát từ hồi tháng 9/2012 khi chính phủ Nhật Bản quyết định mua lại ba hòn đảo từ một người chủ tư nhân của nước này. Sự việc đó đã làm nảy sinh các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc. Và vấn đề tranh chấp ở quần đảo này được các nhà phân tích cho rằng sẽ tiếp tục nóng lên trong chuyến công du sắp tới của Tổng thống Obama tới Nhật Bản.


2 tàu Cảnh sát biển Nhật Bản áp sát một tàu cá Trung Quốc tiến vào Senkaku/Điếu Ngư hồi năm ngoái.


Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ đã quản lý quần đảo Okinawa cùng nhóm đảo đá hoang không có người ở này tới tận tháng 5/1972 mới bàn giao lại cho phía Nhật Bản. Vài tháng sau đó, khi Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ, Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Kakuei Tanaka đã đề cập với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai về Senkaku/Điếu Ngư. Ông Chu Ân Lai đáp lại rằng vấn đề đó tốt hơn là để cho các thế hệ sau chứ không nên vì nó mà làm ảnh hưởng đến việc bình thường hóa quan hệ. Suốt vài thập kỷ sau đó, cách thức này đã vận hành tốt dù cả hai nước vẫn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo nhỏ bé nhưng được cho là nằm trong vùng biển nhiều tài nguyên thiên nhiên này.


Theo quan điểm của Trung Quốc, chính phía Nhật Bản đã phá hủy tình trạng nguyên vẹn theo tinh thần thỏa thuận Chu Ân Lai - Tanaka với vụ bắt giữ một tàu cá của Trung Quốc hồi tháng 9/2010 và sau đó là việc quốc hữu hóa 3 hòn đảo năm 2012. Bắc Kinh cũng cho rằng Nhật Bản đang bước vào một thời kỳ dân tộc chủ nghĩa hiếu chiến và việc mua các hòn đảo là một hành động có chủ đích nhằm bắt đầu một quá trình phá bỏ các thỏa thuận đã được đặt ra sau Thế chiến 2. Do vậy, kể từ năm 2012, các tàu của Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng biển mà phía Nhật tuyên bố là vùng lãnh hải của nước này.


Thật trớ trêu, các hành động đó của Trung Quốc lại càng thúc đẩy tinh thần chủ nghĩa dân tộc của Nhật. Và một loạt các hành động “ăn miếng trả miếng” cứ tiếp tục tăng lên theo chiều hướng khó có cơ hội để cả hai bên tìm được điểm dừng. Rồi chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe hổi tháng 12 năm ngoái lại càng như tiếp thêm dầu vào nồi lửa vốn đã rất nóng bỏng. Theo những chuyên gia kỳ cựu nghiên cứu về mối quan hệ Trung – Nhật thì quan hệ giữa hai cường quốc châu Á này đang ở mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ qua.


Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không muốn chiến tranh và chắc sẽ không có ai không tin vào những tuyên bố đó. Hai nước nhận thấy rằng việc phá vỡ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới sẽ làm đổ vỡ các kế hoạch phát triển và sự ổn định nội bộ mỗi nước.


Tuy nhiên, những mối nguy hiểm thực sự lại không nằm trong ý định của lãnh đạo hai nước mà nằm ở những tính toán sai lầm tiềm ẩn của các cấp lãnh đạo thấp hơn. Nhất là việc thiếu kinh nghiệm “xử lý va chạm” và sự leo thang căng thẳng trong bầu không khí dân tộc chủ nghĩa rất mạnh ở cả hai nước.


Vì thế, trong tình hình này, điều tốt nhất mà hai nước có thể hướng tới đó là làm sống lại đúng tinh thần thỏa thuận ban đầu rất thông thái của Chu Ân Lai và Tanaka. Như một số nhà phân tích gợi ý, một trong các biện pháp để làm được điều đó có thể là việc tuyên bố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một khu bảo tồn sinh thái biển vì mục đích lớn lao hơn của cả khu vực. Và sẽ không có sự hiện diện quân sự lẫn dân sự trên quần đảo hoặc những vùng biển xung quanh.


Sẽ là điều lí tưởng nếu cả Trung Quốc và Nhật Bản đồng ý phương án này nhưng trong bầu không khí hiện nay thì khả năng đó là rất thấp. Cũng có thể thử nghiệm những phương án khác, chẳng hạn, hai nước sẽ thống nhất xem xét lại thỏa thuận năm 2008 về việc cùng khai thác các mỏ khí ở khu vực này.


Đề xuất trên có thể không giải quyết được triệt để vấn đề căng thẳng Trung – Nhật hiện nay nhưng nó có thể làm dịu bầu không khí nóng bỏng ở biển Hoa Đông, để có thể “nồi nước nóng” này không bị sôi lên trong nửa thế kỷ nữa.


Ngọc Du (Washington Post)

Mỹ sẽ giành lại Senkaku/Điếu Ngư nếu quần đảo bị chiếm
Mỹ sẽ giành lại Senkaku/Điếu Ngư nếu quần đảo bị chiếm

Chỉ huy lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở Nhật Bản, Trung tướng John Wissler cho biết nếu Trung Quốc chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) thì lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương có thể giành lại chúng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN