Tuyên bố trên được ông Kerry đưa ra sau các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới châu Âu. Chuyến công du của quan chức Mỹ được coi là tín hiệu về thiện chí của chính quyền mới tại Mỹ tham gia cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Trong tuyên bố mới, ông Kerry nêu rõ Mỹ sẽ công bố những nghĩa vụ đóng góp cấp quốc gia (NDC) muộn nhất là tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tổ chức vào ngày 22/4 hoặc có thể sớm hơn. NDC là một điều khoản bắt buộc với mỗi nước tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó đặt mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp. Đặc phái viên khí hậu của Mỹ cũng nhận định hội nghị sắp tới sẽ là một bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc COP26 dự kiến diễn ra tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới.
Quan chức Mỹ và Bộ trưởng Tài chính Pháp cũng nhất trí sẽ cùng xem xét các khả năng thu hút nguồn tài chính tư dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu trong bối cảnh chính phủ các nước đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Hiệp định Paris. Bộ trưởng Tài chính Pháp khẳng định cần gắn mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và hoan nghênh việc Mỹ trở lại ủng hộ quan điểm này. Về phần mình, ông Kerry ước tính lĩnh vực tư nhân có thể sẽ đóng vai trò lớn nhất trong mảng tài chính khí hậu và sẽ tạo động lực cho cuộc chiến chung nhanh hơn tất cả các thực thể khác.
Đặc phái viên khí hậu của Mỹ cũng đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tại cuộc gặp, Tổng thống Pháp khẳng định muốn phối hợp chặt chẽ với Tổng thống Biden không chỉ trong lĩnh vực giảm khí thải mà còn trong hỗ trợ cung cấp những công cụ cần thiết để hoàn thành mục tiêu này, đặc biệt trong mảng tài chính khí hậu.