Các lệnh cấm vận mới nhằm vào Nga mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hôm 29/7 nhằm mục đích gây hại đến kinh tế Nga. Nhưng những tác động tức thời mà chúng đem lại thì chẳng đáng là bao.
Mỹ vẫn chưa liệt ngân hàng lớn nhất của Nga vào danh sát đen, còn EU vẫn chừa lại nhiều “khoảng trống” cho các ngân hàng Nga có chi nhánh ở châu Âu.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, các tổ chức tài chính và cá nhân Mỹ sẽ bị cấm đem tài sản mới hay những khoản nợ gửi tại 3 ngân hàng VTB Bank, Ngân hàng Moskva (Bank of Moscow) và Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Russian Agricultural Bank). Bộ Tài chính Mỹ nhìn nhận, biện pháp này sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho chính phủ Nga. Truyền thông quốc tế đưa tin các lệnh cấm này sẽ làm tăng chi phí huy động vốn, ảnh hưởng đến lợi nhuận, cản trở khả năng cho vay, lợi nhuận của các ngân hàng Nga.
Chi nhánh của Sberbank ở Kiev. Ngân hàng này sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận mới của Mỹ, EU. Ảnh: Reuters |
Thế nhưng, nhìn nhận kĩ thì lại thấy, “danh sách đen” này còn thiếu cái tên OAO Sberbank - ngân hàng mà chính phủ Nga nắm cổ phần chi phối và là người cho vay lớn nhất ở Nga. Với hơn 19.000 chi nhánh, Sberbank kiểm soát phần lớn các tài sản ngân hàng và chiếm thị phần bán lẻ lớn nhất tại Nga. Ngân hàng này cũng có các hoạt động đầu tư quan trọng ở châu Âu.
EU hiện chưa công bố danh sách cụ thể, dù một nguồn tin cho biết Sberbank sẽ nằm trong số này, ít nhất là có 5 ngân hàng nhà nước của Nga. Tuy vậy, lệnh cấm vận của EU vẫn chừa ra nhiều lỗ hổng: Nó không đánh trực tiếp vào các công ty con thuộc các ngân hàng Nga. VTB Bank và Sberbank đều có những đơn vị trực thuộc quy mô lớn ở Áo, với tổng tài sản lên đến 26,8 tỉ USD; cùng với đó là mạng lưới rộng khắp ở Cyprus, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Đức và Pháp.
Việc áp cấm vận đối với cả tập đoàn mẹ lẫn công ty con trong hệ thống ngân hàng Nga sẽ làm cho các đơn vị tài chính hoạt động ở EU gặp khó trong huy động vốn, cho vay và vì thế sẽ có tạo ra những hiệu ứng nhất định đối với điều hành chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu - thiết chế tài chính giám sát các ngân hàng lớn nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), trong đó có cả các trụ sở chính của VTB Bank và Sberbank ở Áo và Cyprus.
Giới chức châu Âu hôm 30/7 xác nhận việc loại trừ này là để bảo vệ hệ thống tài chính châu Âu, không nhằm triệt hạ các ngân hàng Nga, chỉ hướng đến việc cản trở khả năng cấp vốn đối với nền kinh tế Nga. Các chi nhánh ở EU sẽ không được phép phát hành trái phiếu, huy động vốn, tài sản và chuyển số tiền thu được về Moskva. Thế nhưng việc giám sát dòng tiền như vậy chưa có cơ chế cụ thể, không thể xác định đâu là khoản tiền hợp pháp và không hợp pháp.
Còn một nhân tố nữa hạn chế tác động của lệnh cấm vận mà Mỹ, EU theo đuổi: Các ngân hàng Nga không có những khoản nợ phải trả trong một vài tháng tới. Theo tính toán của ngân hàng Nomura (Nhật Bản), trong 9 tháng tới, các nhà cho vay của Nga chỉ phải trả khoản nợ 39 tỉ USD bên ngoài lãnh thổ.
Chuyên gia kinh tế người Nga tại ngân hàng Bank of America (Mỹ) Vladimir Osakovskiy nhận định: Các biện pháp trừng phạt không có khả năng gây hại đến lĩnh vực ngân hàng ở Nga, ít nhất là trong ngắn hạn. Còn thông báo của VTB Bank nêu rõ: “Quyết định của Mỹ ngăn cản khả năng tiếp cận thị trường vốn của VTB Bank không cản trở hoạt động của ngân hàng; VTB Bank sẽ tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định, luật pháp quốc tế”.
Hoài Thanh (
Tổng hợp)