Hãng thông tấn Campuchia AKP dẫn lời Thủ tướng Hun Sen bày tỏ quan điểm của ông về tầm nhìn phát triển tương lai cho hợp tác Mekong - Lan Thương, cho rằng vào thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, việc đảm bảo các nguồn lực phát triển cho khu vực tiểu vùng Mekong - Lan Thương phải được coi là một ưu tiên. Vì thế, cần thúc đẩy hiện thực hóa Vành đai Phát triển kinh tế Mekong - Lan Thương (MLEDB) như là động lực mới cho sự phát triển tiểu vùng. Mở rộng đầu tư có chất lượng vào cơ sở hạ tầng, kết nối và hợp tác công nghiệp sẽ kích thích hơn nữa cho thương mại biên giới và tăng cường hội nhập hơn nữa chuỗi cung ứng của tiểu vùng vào chuỗi giá trị của toàn cầu. Cùng lúc, thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và sáng tạo có thể tăng cường sức cạnh tranh về dài hạn cho tiểu vùng. Với sự kết nối này, Campuchia ủng hộ toàn bộ các biện pháp trong bài phát biểu của hai nước đồng chủ tịch hội nghị lần này là Trung Quốc và Lào.
Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen khẳng định: "Đã 5 năm trôi qua kể từ Hội nghị Tam Á và tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta cần khởi xướng việc đánh giá tổng thể tính hiệu quả trong khuôn khổ hoạt động MLC dựa trên việc giám sát và đánh giá tổng thể hệ thống. Ví dụ, kể từ khi thành lập Quỹ MLC đặc biệt năm 2016, Campuchia đã nhận được 55 dự án trải rộng trên một loạt các hoạt động hợp tác thực tế mà chúng tôi tin rằng có thể tạo ra những tác động cụ thể và đóng góp đáng kể vào việc cải thiện sinh kế của người dân".
Về đại dịch COVID-19, chủ đề cấp thiết nhất của năm 2020, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh các nước cần thể hiện tình đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau trong việc đối phó với dịch bệnh để đảm bảo hệ thống y tế và nền kinh tế mỗi quốc gia không bị tàn phá. Trong tình hình hiện nay, việc thúc đẩy hội nhập sâu rộng khu vực cũng như cơ chế đa phương có hiệu quả là hai ưu tiên chủ chốt của các nước.
Thủ tướng Hun Sen tái khẳng định cam kết hợp tác mạnh mẽ trong khuôn khổ Mekong - Lan Thương nhằm xây dựng một “Cộng đồng chia sẻ tương lai hòa bình và thịnh vượng”.