Tuy nhiên, khách nước ngoài sẽ vẫn phải có một chứng nhận khẳng định họ không nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và phải chứng minh có bảo hiểm y tế trị giá 50.000 USD trong thời gian lưu trú tại Campuchia. Họ cũng sẽ phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh tại khu vực được chính phủ chỉ định và phải xét nghiệm virus gây bệnh.
Cũng theo bộ trên, bệnh nhân COVID-19 cuối cùng ở Campuchia đã được xuất viện ngày 16/5 vừa qua và kể từ đó nước này không có ca nhiễm nào.
Bộ trưởng Y tế Mam Bunheng cho biết các bảo tàng sẽ được mở cửa trở lại trong tháng Sáu. Trong bức thư gửi Bộ trưởng Văn hóa Phoeurng Sackona, ông Bunheng cho biết Thủ tướng Samdec Techo Hun Sen đã phê chuẩn việc mở cửa trở lại các bảo tàng. Để tránh nguy cơ xuất hiện các ca nhiễm mới, Bộ trưởng Bunheng khuyến cáo mọi bảo tàng cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh và y tế như kiểm tra thân nhiệt của khách, cung cấp dung dịch sát khuẩn tay và đảm bảo giãn cách xã hội trong bảo tàng. Ông cũng nói thêm rằng du khách và nhân viên bảo tàng đều phải đeo khẩu trang và không cho bất cứ khách nào có vấn đề về sức khỏe hoặc nghi ngờ tiếp xúc với virus vào bảo tàng.
* Cùng ngày, các chuyên gia công nghệ của Indonesia đã ra mắt một thiết bị y tế sản xuất trong nước được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thêm cho các nỗ lực chống dịch.
Từng bộ phận của thiết bị trên, gồm bộ kit xét nghiệm chẩn đoán nhanh, bộ kit phản ứng chuỗi (PCR) và trí tuệ nhân tạo (AI), để phân loại bệnh nhân COVID-19 đều do tập đoàn nghiên cứu COVID-19 của Bộ Nghiên cứu và công nghệ tự chế tạo ra. Tập đoàn này gồm nhiều doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân, trường đại học và viện nghiên cứu.
Bộ trưởng Nghiên cứu và công nghệ Bambang Brodjonegoro cho biết: "Tất cả chúng tôi đã phối hợp nhằm tăng cường nỗ lực ứng phó với dịch bệnh thông qua cải tiến công nghệ. Tôi hy vọng các sản phẩm tiên tiến mà chúng tôi khởi động hôm nay có thể đánh dấu sự nhận thức về khả năng cải tiến của Indonesia". Hiện Indonesia đã ghi nhận 19.189 ca nhiễm và 1.242 ca tử vong.