Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, từ nhiều ngày nay, mỗi ngày Campuchia đều ghi nhận hàng trăm ca nhập cảnh là lao động Campuchia trở về từ nước láng giềng. Điều này đã tạo ra áp lực lớn đối với các cơ sở y tế địa phương và gia tăng quan ngại về nguy cơ lây lan biến thể Delta trong cộng đồng với nguồn lây là người nhập cảnh trái phép. Đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 73.701 ca mắc COVID-19, trong đó 65.950 người đã khỏi bệnh và 1.305 người tử vong.
Theo thông báo cuối tuần trước của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia, Mỹ sẽ cung cấp cho Campuchia một triệu liều vaccine Johnson & Johnson. Hiện phía Mỹ đang phối hợp với cơ chế phân bổ vaccine COVAX, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để chuyển số vaccine trên tới Campuchia trong thời gian tới. Trước đó, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia York Sambath cho biết Campuchia đã đề nghị Mỹ viện trợ 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và chờ phản hồi của Mỹ.
Tuần trước, Nhật Bản là nước đầu tiên viện trợ vaccine AstraZeneca cho Campuchia theo cơ chế COVAX. Campuchia đang nỗ lực tăng mục tiêu tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 từ mức 10 triệu người lên 13 triệu người, trong đó có 2 triệu thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.
Cùng ngày 26/7, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này ghi nhận thêm 6.664 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.555.396 ca. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 23 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 27.247 người. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Philippines vào tháng 1/2020 đến nay, quốc gia gồm 110 triệu dân này đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 15 triệu người.
Giới chức y tế cho rằng số ca nhiễm mới tiếp tục tăng lên tại Philippines trong bối cảnh nước này phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao, trong đó có biến thể Delta. Hiện Philippines ghi nhận 1.773 ca nhiễm biến thể Alpha, 2.019 ca nhiễm biến thể Beta và 119 ca nhiễm biến thể Delta.