Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 8/9, Bộ Y tế Campuchia cho biết có thêm 6 ca tử vong và 596 ca mới trong 24 giờ qua, trong đó có 177 ca nhập cảnh chủ yếu là lao động từ Thái Lan trở về. Tính từ đầu dịch, Campuchia phát hiện tổng cộng 96.935 ca mắc COVID-19, trong đó 92.015 người đã khỏi bệnh và 1.987 ca tử vong.
Tại Phnom Penh, Tiểu ban Nghiên cứu COVID-19 tối 7/9 xác nhận trong số 1.491 công nhân nhà máy may mặc Marvel thuộc phường Boeung Thom, quận Kamboul, có 11 ca nhiễm biến thể Delta. Với kết quả này, Bộ Y tế Campuchia cho biết đã phát hiện tổng cộng 914 ca nhiễm biến thể Delta tại Phnom Penh. Lực lượng y tế cũng lấy mẫu xét nghiệm hơn 5.000 công nhân nhà máy may mặc Top Summit ở phường Kamboul, quận Kamboul và đã phát hiện hơn 30 ca dương tính.
Về việc mở cửa lại trường học tại Campuchia, báo Khmer Times dẫn lời Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia ngày 7/9 cho rằng an toàn là yếu tố sống còn khi mở cửa lại trường học. Theo WHO, việc mở cửa từng bước trường học cũng như hoạt động kinh doanh đều có rủi ro. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đang được kiểm soát theo từng địa phương.
Mặc dù được Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia “bật đèn xanh”, một số tỉnh vẫn chưa sẵn sàng mở cửa lại trường học do diễn biến dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tỉnh trưởng Battambang, Ngoun Rattanak ngày 7/9 cho biết Battambang đang gồng mình trước làn sóng lao động di cư trở về nước và lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng nên cần phải cân nhắc kỹ về việc mở cửa trường học trở lại.
Tỉnh trưởng tỉnh Preah Vihear, Prak Sovann cũng cho rằng có 9 trường học trong tỉnh đang được trưng dụng làm trung tâm cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19. Tỉnh cần hoàn thành tiêm phòng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi trước khi mở trường trở lại.
* Trong khi đó, giới chức y tế CH Séc ngày 8/9 đã ghi nhận 588 ca mới, mức cao nhất theo ngày kể từ ngày 25/5. Chính phủ Séc dự báo số ca mắc sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới. Con số trên vẫn thấp hơn mức đỉnh gần 17.000 ca/ngày ghi nhận được trong làn sóng dịch trước đó, kéo dài từ tháng 10/2020 đến tháng 3 năm nay.
Séc từng là một trong số nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng dịch trước đó, song tỷ lệ lây nhiễm mới đã giảm trong các tháng mùa Hè. Theo Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu, trong 2 tuần trở lại đây, tỷ lệ này tại Séc là 25 ca/100.000 dân, thấp hơn so với mức 137 ca/100.000 dân tại Đức.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 7/9, Thủ tướng Séc Andrej Babis nói rõ chính phủ không có kế hoạch tái áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng, thay vào đó sẽ thực hiện tại từng vùng. Theo thống kê, Séc đứng thứ 5 thế giới về tỷ lệ tử vong trên đầu người và cho tới này quốc gia 10,7 triệu dân này đã ghi nhận hơn 30.000 ca tử vong do COVID-19.