Campuchia muốn đàm phán với Thái Lan về đền Preah Vihear

Chính phủ Campuchia ngày 7/12 cho biết đang chờ đợi Thái Lan để tiến hành đàm phán về vấn đề thực thi phán quyết mà Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra tháng trước về khu vực tranh chấp trên biên giới giữa hai nước.  

Đền Preah Vihear gần biên giới Campuchia- Thái Lan tại tỉnh Preah Vihear, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 400 km về phía bắc. Ảnh: AFP-TTXVN


Phát biểu trong chuyến thăm khu vực biên giới để gặp các binh sĩ Campuchia được triển khai gần khu vực tranh chấp quanh ngôi đền cổ Preah Vihear trên biên giới giáp Thái Lan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong cho biết nước này cần tham vấn với phía Thái Lan về việc thực thi phán quyết của ICJ, liên quan đến chủ quyền khu đất tranh chấp quanh ngôi đền này. Ông cũng nói rằng Campuchia đã sẵn sàng, song biến động chính trị tại Thái Lan có thể làm trì hoãn cuộc đàm phán.  

Ngày 11/11 vừa qua, ICJ đã công bố phán quyết Campuchia có chủ quyền đối với toàn bộ khu đất quanh ngôi đền Preah Vihear, vì vậy Thái Lan có nghĩa vụ rút tất cả các lực lượng khỏi khu vực này.

Tuy nhiên từ đó tới nay, hai bên vẫn chưa thảo luận về cách thức thực thi phán quyết và Thái Lan cũng chưa rút quân, trong khi thời hạn cụ thể cho các cuộc đàm phán chưa được ấn định.

Người phát ngôn chính phủ kiêm Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharith cho biết Campuchia không hối thúc Thái Lan bắt đầu đàm phán nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ Thái Lan tập trung giải quyết vấn đề chính trị nội bộ.  

Trong phán quyết ngày 15/6/1962, ICJ đã khẳng định ngôi đền cổ Prech Vihear thuộc về Campuchia, nhưng không nói rõ về vùng đất xung quanh, vì vậy cả hai nước đều nhận chủ quyền đối với khu vực rộng 4,6 km2 xung quanh đền.

Kể từ sau khi ngôi đền được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới năm 2008, đụng độ đã xảy ra nhiều lần giữa binh sĩ hai nước ở khu vực biên giới này, gây thương vong cho cả hai bên.

Tháng 4/2011, Campuchia đưa vụ kiện về vùng đất tranh chấp này lên ICJ. Căng thẳng giữa hai nước đã dịu đi kể từ khi bà Yingluck Sinawatra lên giữ chức Thủ tướng Thái Lan vào tháng 7/2011.

Đức tăng viện trợ phát triển cho Campuchia    

Trong một diễn biến khác, Cộng hòa LB Đức mới đây cam kết hỗ trợ 47 triệu euro cho các dự án phát triển nông thôn, y tế và quản lý đất đai ở Campuchia giai đoạn 2013-2014, tăng hơn 1,5 lần so với mức 30 triệu euro/năm như thường lệ.   

Phóng viên TTXVN tại Campuchia dẫn nguồn tin từ Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) cho biết Tổng Thư ký CDC Chieng Yanara, đại diện chính phủ Campuchia và ông Andreas Pfeil, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Á, Trung Á, Lào, Campuchia của Bộ Hợp tác Kinh tế phát triển Đức đã ký thỏa thuận “ Hợp tác tài chính 2013-2014”, trị giá 47 triệu euro.

Cụ thể, 20,1 triệu euro dành cho hỗ trợ phát triển lĩnh vực y tế, 19,6 triệu euro cho phát triển nông thôn, 4,05 triệu euro cho việc nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế và quản trị dự án, 3,5 triệu euro cho việc nghiên cứu dự án khả thi trong giai đoạn tiếp theo.    

Đức là một trong 5 quốc gia hỗ trợ tài chính lớn nhất cho Campuchia. Từ năm 1992-2011, Đức đã hỗ trợ Campuchia khoảng 360 triệu euro cho các dự án phát triển các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, quản lý đất đai, cải cách hành chính công, nâng cao vai trò của dân chủ và các tổ chức xã hội dân sự trong phát triển kinh tế, xã hội tại nước này.


TTXVN/Tin tức
Campuchia cho biểu tình vào Ngày nhân quyền quốc tế
Campuchia cho biểu tình vào Ngày nhân quyền quốc tế

Chính quyền Campuchia đã chấp thuận một phần đề nghị của Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đối lập, cho phép biểu tình quy mô lớn vào Ngày nhân quyền quốc tế 10/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN