Động thái trên diễn ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 1/2019 đã áp thuế nhập khẩu đối với gạo Indica từ Campuchia và Myanmar trong ba năm. EU đã phàn nàn rằng sự gia tăng đáng kể hoạt động nhập khẩu gạo Indica trong 5 năm qua đã gây tổn hại cho các nhà sản xuất châu Âu, đặc biệt là Italy. EC cho biết thị phần của các nhà sản xuất EU trong giai đoạn này đã giảm từ 61% xuống còn 29%.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Campuchia nhấn mạnh cuộc điều tra của EC, trong đó phát hiện lượng gạo Indica nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar tăng 89% trong 5 vụ mùa gần đây nhất, là dựa trên các thông tin không chính xác và sẽ ảnh hưởng tới những người nông dân tại một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á.
Gạo Indica xuất khẩu của Campuchia và Myanmar chịu mức thuế 175 euro (197,25 USD)/tấn trong năm đầu tiên và mức thuế này sẽ giảm dần xuống 150 euro/tấn năm thứ hai và 125 euro/tấn năm thứ ba.
Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) cho biết các biện pháp phòng vệ của EC về cơ bản là một hành động sai lầm và không tuân thủ luật của EU. CRF nhấn mạnh việc tái áp dụng các mức thuế nhập khẩu gây tổn hại cho kinh tế Campuchia và trên hết là người dân ở nước này. Tính đến tháng 1/2019, Campuchia và Myanmar đã được thụ hưởng đầy đủ quy chế tiếp cận thị trường châu Âu "Mọi thứ trừ vũ khí".