Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, bộ trên cũng thông báo thêm 9 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 2.049 ca. Trong số các tỉnh có số ca mắc COVID-19 ở mức cao, tỉnh Battambang bị tác động mạnh nhất với ít nhất 252 ca mắc mới tại ổ dịch chợ Kamrieng trên địa bàn tỉnh này.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia có xu hướng xấu đi kể từ ngày 10/9 với số ca nhiễm tăng trong số lao động Campuchia trở về từ Thái Lan và số ca nhiễm biến thể Delta tại Phnom Penh cũng như trên cả nước tiếp tục tăng. Trong thời gian từ ngày 31/3-9/9, Viện Pasteur Campuchia phát hiện tổng cộng 3.731 ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tại 24/25 tỉnh, thành trên cả nước.
Hiện nay, Campuchia dần tiến tới hoàn thành mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng khi gần 98% người dân từ 18 tuổi trở lên ở nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó hơn 900.000 người đã được tiêm mũi tăng cường.
Tính đến ngày 12/9, sau hơn 7 tháng thực hiện chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, 9.737.885 người tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine của các hãng Sinopharm, Sinovac, AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson, trong đó 8.600.167 người đã hoàn thành hai mũi tiêm.
Bên cạnh đó, Campuchia đã tiêm phòng COVID-19 cho hơn 1.708.535 thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, tương đương 86,86% trong tổng số 1.966.931 thanh thiếu niên dự kiến được tiêm phòng COVID-19 bằng vaccine Sinovac của Trung Quốc.
* Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ Y tế Indonesia ước tính nước này sẽ có 1,9 triệu ca mắc COVID-19 vào năm 2022 nếu đại dịch trở thành căn bệnh đặc hữu. Phát biểu trong phiên điều trần trước Hạ viện Indonesia ngày 13/9, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết dự báo được đưa ra nếu không có thêm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan trong nước. Còn trong trường hợp một biến thể virus mới xuất hiện lây lan ở Indonesia, ước tính số ca COVID-19 ở Indonesia trong một năm sẽ là 3,9 triệu ca. Thực tế trong 18 tháng qua, Indonesia ghi nhận 4.167.511 trường hợp nhiễm COVID-19.
Theo ông Budi, với dự báo này, chính phủ sẽ phải chuẩn bị 2 kịch bản, kịch bản thứ nhất, chính phủ sẽ tiến hành 28 triệu xét nghiệm trong một năm và kịch bản thứ hai là sẽ tăng công suất lên 58 triệu xét nghiệm. Các kịch bản này sẽ ảnh hưởng đến việc xét nghiệm, điều trị và cách ly. Tuy nhiên, các phương án tiêm chủng không có gì thay đổi. Về mũi vaccine tăng cường cho cộng đồng, chính phủ chỉ cung cấp 91,8 triệu liều miễn phí cho những người thuộc các Cơ quan quản lý an sinh xã hội y tế. Ngoài ra, công chúng phải trả tiền mua vaccine cho mũi tiêm thứ ba. Chính phủ sẽ chuẩn bị ít nhất 241,3 triệu liều vaccine vào năm 2022 cho 212,7 triệu người dân, và sẽ ưu tiên mua vaccine COVID-19 sản xuất trong nước.
Hiện tại, năng lực sản xuất vaccine trong nước ước tính là 462 triệu liều, sẽ đáp ứng nhu cầu của chính phủ và các chương trình tiêm chủng độc lập. Vaccine trong nước là vaccine Merah Putih (Đỏ và Trắng).