Theo thông tin trên trang Facebook cá nhân của Thủ tướng Hun Sen, trước khi rời tàu, nhóm du khách đến từ 22 nước đều được Bộ Y tế Campuchia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm chống bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ (USCDC) kiểm tra thân nhiệt và sức khỏe để đảm bảo không nhiễm COVID-19. Các nhân viên tàu MS Westerdam cũng được kiểm tra lại sức khỏe trước khi cho phép đưa tàu Westerdam rời khỏi Campuchia.
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Công chính Sun Chanthol cho biết 747 thủy thủ và nhân viên sẽ cùng tàu MS Westerdam rời Campuchia đến Manila, Philippines vào ngày 22/2.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Jakarta, cho biết chính quyền Indonesia đã cách ly một tàu hàng nước ngoài chở dầu cọ với 40 thuyền viên ngoài khơi huyện Pasangkayu, thuộc tỉnh Tây Sulawesi nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch COVID-19.
Giám đốc cảng Tanjung Bakau ở huyện Pasangkayu, ông Agung, cho biết việc cách ly đã được tiến hành từ hôm 18/2, theo đó, tàu hàng trên được lệnh giữ cự ly cách đất liền ít nhất 1 km và chờ các nhân viên y tế tiến hành kiểm dịch. Tàu sẽ không được phép tiếp cận cảng cho tới khi kết thúc thời gian cách ly.
Ông Agung cũng cho biết tất cả các tàu nước ngoài sẽ không được phép neo đậu tại cảng cho đến khi kết thúc quá trình kiểm dịch. Ngay cả khi tàu được chứng thực không bị nhiễm nCoV, không ai trong thủy thủ đoàn được phép lên bờ. Trong thời gian cách ly, các thủy thủ sẽ được cảng vụ hỗ trợ hậu cần.
Trước đó, chính quyền Indonesia bày tỏ lo ngại về khả năng dịch COVID-19 xâm nhập vào nước này qua các tàu nước ngoài. Indonesia đã cho triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt qua việc sàng lọc các tàu hàng và du thuyền nước ngoài muốn cập cảng tại nước này. Động thái trên diễn ra sau khi Nhật Bản quyết định cách ly du thuyền Diamond Princess với hơn 3.700 hành khách ngoài khơi thành phố cảng Yokohama.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết chính phủ nước này đang có những chuẩn bị “đề phòng trường hợp” dịch COVID-19 bước vào giai đoạn 3, cấp độ xấu nhất ở quốc gia Đông Nam Á này.
Phát biểu sau khi thảo luận với các quan chức cấp cao tại Tòa nhà Chính phủ, Thủ tướng Prayut nói rằng người dân không nên hoảng loạn và chính phủ đang chuẩn bị các biện pháp đề phòng.
Truyền thông sở tại dẫn lời ông Prayut nhận định tình hình hiện nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Các biện pháp trước đây vẫn hiệu quả và dịch bệnh COVID-19 có thể được kiểm soát. Để đối phó với những kịch bản tồi tệ nhất, Chính phủ Thái Lan đang làm việc để đảm bảo có đủ nguồn cung khẩu trang và giúp đỡ khu vực du lịch.
Trên tài khoản Twitter cá nhân, Thủ tướng Prayut khẳng định Thái Lan không che giấu số lượng ca nhiễm và người dân có thể yên tâm vì Thái Lan có các biện pháp tốt, hiệu quả, được quốc tế công nhận để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.
Trước đó, Thủ tướng Prayut đã yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị các bệnh viện, thiết bị y tế và các nguồn cung cấp khẩu trang để đối phó với bất kỳ sự leo thang nào của dịch bệnh. Tình hình ở Thái Lan hiện ở giai đoạn 2 và đang được xử lý tốt.
Theo các nhà chức trách, giai đoạn thứ nhất là lây truyền từ động vật sang người, giai đoạn thứ hai là lây nhiễm ở quy mô địa phương, trong khi giai đoạn ba là việc lây nhiễm trên diện rộng và không kiểm soát được.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết tính đến ngày 20/2, đã có 35 trường hợp nhiễm nCoV ở nước này, trong đó 17 bệnh nhân đã được xuất viện và 18 người vẫn đang được điều trị.