Cụ thể, Chính phủ Campuchia tiếp tục hỗ trợ 40 USD/tháng trong thời gian từ tháng 1-3/2021 đối với mỗi công nhân/nhân viên làm việc trong các ngành dệt may và du lịch cũng như các hoạt động kinh doanh liên quan đến du lịch như nhà hàng, khách sạn, lữ hành bị gián đoạn công việc do đại dịch COVID-19.
Đối với ngành hàng không, gói biện pháp kích thích thứ 7 cũng được công bố nhằm giúp ngành này thúc đẩy hoạt động kinh doanh và giảm bớt gánh nặng tài chính trước những thách thức nghiêm trọng do đại dịch gây ra. Theo đó, chính phủ sẽ kéo dài việc miễn thuế tối thiểu 10% đối với tất cả các hãng hàng không đăng ký hoạt động tại Campuchia trong thời gian 3 tháng từ tháng 1-3/2021 và cho phép các hãng hàng không dàn xếp việc thanh toán nợ tồn đọng thành nhiều lần sau thời gian gia hạn.
Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia Lim Heng, các biện pháp hỗ trợ mới nhất sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho khu vực công, đồng thời giúp lĩnh vực tư nhân để không rơi vào cảnh phá sản, qua đó cho phép hoạt động kinh doanh có thể trụ được trong giai đoạn khó khăn này.
Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia công bố đầu tháng này, trong 10 tháng đầu năm nay, khách du lịch quốc tế đến Campuchia đã giảm mạnh chưa từng thấy với mức 76,1% so với cùng kỳ năm ngoái, từ hơn 5 triệu khách xuống còn hơn 1 triệu lượt, trong đó đông nhất vẫn là khách Trung Quốc (314.291 lượt, giảm 84,5%), tiếp đến là khách Thái Lan, Việt Nam và Mỹ.
* Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan đang có kế hoạch sửa đổi các luật và quy định chính về nhập cư, kinh doanh nước ngoài và các lĩnh vực khác trong năm 2021 nhằm thu hút thêm nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các sửa đổi cũng sẽ bao gồm lao động nước ngoài, thuế tiêu thụ đặc biệt, quy hoạch thành phố, đa dạng sinh học, kinh doanh phim và video, và lĩnh vực năng lượng gồm cả cơ sở hạ tầng và năng lượng thay thế.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, một nguồn tin trong Chính phủ Thái Lan cho biết chính phủ đặt mục tiêu đạt được ít nhất 85% các sửa đổi được nhắm tới theo chương trình “cắt giảm quy định” vào năm tới. Các doanh nghiệp nước ngoài và địa phương từ lâu đã phàn nàn về gánh nặng chi phí bắt nguồn từ việc tuân thủ bộ máy hành chính của Thái Lan, nhưng chính phủ đã chậm chạp trong việc giảm bớt những quy định. Các nhà đầu tư nước ngoài đã thúc ép để có các luật “thân thiện hơn” về nhập cư, kinh doanh nước ngoài và thuế.
Chính phủ Thái Lan hy vọng những sửa đổi sẽ giúp đưa quốc gia Đông Nam Á này từ vị trí 21 hiện nay vào tốp 10 nước đứng đầu trong bảng xếp hạng “Mức độ dễ dàng kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới. Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan dự tính rằng việc sửa đổi các luật và quy định sẽ giảm 55,2% chi phí hàng năm (tương đương 133 tỷ baht, tức khoảng 4,4 tỷ USD) cho người tiêu dùng và 22,4% (tương đương 9 tỷ baht) cho các doanh nghiệp.