Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, phát biểu trong cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao ASEAN PMC10 +1 với Liên minh châu Âu (EU), Phó Thủ tướng Prak Sokhonn hối thúc sớm kết thúc Thỏa thuận toàn diện về vận tải đường không ASEAN - EU (CATA) cũng như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - EU.
Ông cũng cho biết Campuchia hoan nghênh nỗ lực của EU trong giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, khuyến khích EU thúc đẩy các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn 4.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Prak Sokhonn cũng đã cảm ơn EU hỗ trợ 443 triệu euro giúp Campuchia hồi phục kinh tế và tạo công ăn việc làm trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19.
Liên quan tới cuộc họp ASEAN PMC10+1 với Ấn Độ, Phó Thủ tướng Prak Sokhonn nhấn mạnh, với kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực bào chế dược phẩm, Ấn Độ giữ vai trò chủ chốt trong việc duy trì chuỗi cung ứng thuốc và thiết bị y tế trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay.
Ngoài ra, Campuchia cho rằng cần thúc đẩy sâu rộng quan hệ thương mại và đầu tư giữa ASEAN với Ấn Độ thông qua Cuộc gặp thượng đỉnh kinh doanh ASEAN - Ấn Độ và Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Ấn Độ. Theo Phó Thủ tướng Prak Sokhonn, việc tăng cường giao lưu, kết nối nhân dân là nền tảng cơ bản để mở rộng dịch vụ du lịch và phát triển con người trong khu vực.
Về vấn đề kết nối, Campuchia hy vọng sẽ sớm thúc đẩy tiến trình thực thi mở rộng dự án xa lộ 3 bên giữa Campuchia, Lào và Việt Nam. Campuchia cũng khuyến khích ủng hộ xây dựng năng lực của phụ nữ và các doanh nghiệp trẻ trong khuôn khổ kế hoạch công tác IAI giai đoạn 4, đặc biệt là việc thu hẹp khoảng cách số giữa các nước ASEAN.
* Liên quan đến Hội nghị Bộ trưởng Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ lần thứ nhất do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đồng chủ trì với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Tổng thư ký ASEAN, thông cáo của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia cho biết tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Prak Sokhonn nhấn mạnh quan hệ đối tác Mekong - Mỹ cần dựa trên những nền tảng hiệu quả và thử thách qua thời gian để mở rộng phạm vi hợp tác và mang lại kết quả thực chất cho người dân. Campuchia muốn tận dụng Sáng kiến quan hệ đối tác Nhật Bản - Mỹ về năng lượng Mekong (JUMPP) để thúc đẩy các nguồn năng lượng có thể tiếp cận được với chi phí hợp lý và đáng tin cậy trong khu vực.
Theo quan điểm của Campuchia, đây là sáng kiến mang lại những giá trị đáng kể và bổ sung cho quan hệ đối tác Mekong - Mỹ. Với tư cách là nước đồng chủ trì với Mỹ trong năm 2021, Campuchia cam kết sẽ thúc đẩy mối quan hệ này lên tầm cao mới trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Hội nghị Bộ trưởng Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ lần thứ nhất diễn ra ngày 11/9, trong đó các bên chính thức đưa quan hệ đối tác Mekong - Mỹ (MUSP) dựa trên nền tảng thành công của cơ chế Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) được thành lập từ năm 2009, qua đó đặt nền móng cho việc phát huy tiềm năng quan hệ đối tác, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của khu vực trong giai đoạn mới.
Hội nghị cũng khẳng định quan hệ hữu nghị tốt đẹp và sự hợp tác thành công giữa các nước Mekong với Mỹ trong lĩnh vực quản lý bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, y tế, giáo dục và kết nối khu vực.
Về định hướng hợp tác giai đoạn tới, hội nghị nhận định, trước những thách thức và cơ hội mà tiểu vùng Mekong đang đối mặt, quan hệ đối tác Mekong - Mỹ cần hướng tới mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực, hỗ trợ việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Về nguyên tắc hợp tác, hội nghị khẳng định quan hệ đối tác Mekong - Mỹ cần đề cao nguyên tắc ASEAN làm trung tâm, cởi mở, bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi, minh bạch, tôn trọng chủ quyền của các nước, không can thiệp, tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như quy định và luật pháp của các nước thành viên. Hội nghị cũng nhất trí tăng cường bổ trợ, phối hợp với ASEAN và các khuôn khổ hợp tác Mekong hiện có; nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của phát triển tiểu vùng đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; và hoan nghênh các nỗ lực tăng cường gắn kết giữa hợp tác tiểu vùng với ASEAN.
Về lĩnh vực hợp tác, hội nghị kêu gọi tăng cường thống nhất lập trường về quan hệ đối tác Mekong - Mỹ tập trung vào 4 lĩnh vực, gồm kết nối kinh tế; quản lý bền vững nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; an ninh phi truyền thống; và phát triển nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh ASEAN đang bước sang giai đoạn mới của tiến trình xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối tác Mekong - Mỹ có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong, giúp các nước Mekong thu hẹp khoảng cách phát triển, nắm bắt cơ hội mới và vượt qua thách thức.
Cũng tại hội nghị, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo dành gần 153,6 triệu USD cho các dự án hợp tác tại khu vực Mekong, trong đó có 55 triệu USD cho các dự án phòng chống tội phạm xuyên biên giới; 1,8 triệu USD hỗ trợ Ủy hội sông Mekong tăng cường chia sẻ dữ liệu nguồn nước phục vụ công tác hoạch định chính sách và một số dự án về quản lý thiên tai, tổ chức đối thoại chính sách nhiều bên về phát triển khu vực Mekong.