Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết một tiền đồn quân sự của nước này ở Syria đã bị bắn tên lửa, nhưng chưa xác định được danh tính kẻ tấn công. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh bạo lực gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các phe phái người Kurd địa phương.
Hai quả rocket đã được bắn vào căn cứ Mỹ ở al-Shaddadi, Syria, lúc 22:31 theo giờ địa phương, trong khi một tên lửa chưa bắn thứ ba đã được tìm thấy, CENTCOM cho biết trong một thông cáo báo chí, và không cung cấp thông tin chi tiết về bên có thể đã thực hiện vụ tấn công.
Mặc dù quân đội Mỹ vẫn giữ im lặng về loại tên lửa được sử dụng trong cuộc tấn công, nhưng họ lưu ý rằng "quả tên lửa thứ ba chưa bắn" sau đó đã được lực lượng người Kurd phát hiện tại "địa điểm ban đầu", cho thấy đây không phải là một cuộc tấn công xuyên biên giới và đạn được bắn từ một vị trí tương đối gần.
“Vụ tấn công không gây thương tích hay thiệt hại cho căn cứ hay tài sản của liên quân”, quân đội Mỹ cho biết. Người phát ngôn của CENTCOM Joe Buccino nói thêm rằng các cuộc tấn công “dạng này khiến các lực lượng liên minh và dân thường gặp rủi ro, và làm suy yếu sự ổn định và an ninh khó khăn mới đạt được của Syria và khu vực”.
Cùng ngày 25/11, Lầu Năm Góc đã lên án cuộc tấn công bằng tên lửa nói trên. Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ lo ngại về “các hành động leo thang” ở miền bắc Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo điều đó có thể đe dọa tiến trình “làm suy yếu và đánh bại IS”.
Vụ tấn công bằng tên lửa ngày 25/11 diễn ra chỉ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về hành động quân sự đang diễn ra của Ankara, cho rằng các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ “đe dọa trực tiếp” nhân viên Mỹ đóng tại một căn cứ khác ở Syria.
Phát biểu trước đó cùng ngày 25/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng đất nước của ông sẽ tiếp tục chiến dịch tấn công “bất kể những kẻ khủng bố thông đồng với ai”.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cũng đáp lại lời cảnh báo của Mỹ, nhấn mạnh rằng “chúng tôi không thể làm hại lực lượng liên minh hoặc dân thường” và nhiệm vụ duy nhất của Ankara là truy quét các nhóm khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch quân sự “Vuốt – Kiếm” ở Iraq và Syria vào tuần trước, tiến hành các cuộc không kích và pháo kích vào các nhóm người Kurd mà họ coi là các tổ chức khủng bố để trả đũa vụ đánh bom ngày 13/11 ở Istanbul, khiến 6 người thiệt mạng.
Washington từ lâu đã hợp tác với các chiến binh người Kurd trong khu vực dưới sự bảo trợ của lực lượng dân quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và duy trì khoảng 900 binh sĩ ở phía đông bắc Syria bất chấp sự phản đối từ chính phủ ở Damascus. Một chỉ huy của SDF khẳng định rằng Washington có nghĩa vụ ngăn chặn một cuộc tấn công trên bộ có thể xảy ra của đồng minh trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.