Dennis Tajer, một phi công lái máy bay Boeing 737 MAX đồng thời cũng là người phát ngôn của Hiệp hội liên minh các phi công (APA), cơ quan đại diện cho các phi công thuộc hãng American Airlines Group, cho biết sau vụ việc của hãng Lion Air, hiệp hội đã được thông báo về một hệ thống mới mà Boeing cài đặt trên các máy bay 737 MAX có thể giúp phần đầu máy bay trúc xuống trong một số tình huống để tránh bị chòng chành khi đột ngột hạ độ cao. Thông tin này trước đó không được cung cấp trong quá trình huấn luyện cũng như có trong các hướng dẫn sử dụng của máy bay.
Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu ủy ban an toàn giao thông của Indonesia về điều tra các vụ rơi máy bay (KNKT) cho biết giới chức nước này sẽ thắt chặt và bổ sung nội dung huấn luyện sau những kết quả điều tra này.
Các kết quả điều tra đã khiến phải đặt câu hỏi đối với nội dung của sách hướng dẫn sử dụng máy bay và các khóa huấn luyện chuyển đổi cho phép các phi công lái máy bay thế hệ cũ Boeing 737NG có thể nâng cấp lên điều khiển 737 MAX. Ông Soerjanto cho biết sách hướng dẫn của dòng 737 MAX không đề cập đến cách thức xử lý những tình huống tương tự như vụ việc cách đây 2 tuần.
Trong khi đó, ngày 12/11, giới chức Lion Air cho biết chương trình huấn luyện phi công của hãng được giới chức Mỹ và châu Âu công nhận đạt chuẩn.
Thông tin phục hồi được từ dữ liệu chuyến bay hồi tuần trước đã khiến Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra một chỉ đạo khẩn cấp hối thúc các hãng hàng không nước này cập nhật sách hướng dẫn bay của mình. Chỉ đạo trên cảnh báo về một lỗi máy tính trên các máy bay Boeing 737 MAX có thể khiến máy bay đột ngột hạ độ cao trong tối đa 10 giây và cách khắc phục sự cố này.
Trong khi đó, Boeing từ chối bình luận trực tiếp về chương trình huấn luyện của hãng song cho biết Boeing đang triển khai "mọi biện pháp có thể" để hiểu đầy đủ về sự cố của Lion Air cũng như hợp tác chặt chẽ với nhóm điều tra và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Máy bay gặp nạn thuộc mẫu Boeing 737-MAX 8, thế hệ mới nhất và hiện đại nhất trong dòng máy bay chở khách thương mại. Sau sự cố ngày 29/10, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ các máy bay Boeing 737-MAX 8 đang được khai khác cũng như kiểm toán đặc biệt với hoạt động quản lý của hãng Lion Air. Bản thân Boeing cũng đã phát hành một bản tin đặc biệt hướng dẫn xử lý tình huống lỗi cảm biến trên máy bay đối với mẫu máy bay Boeing Max 737-8 và -9.
Máy bay Boeing 737-MAX 8 mang số hiệu JT 610, chở 189 người trên chuyến bay nội địa từ thủ đô Jakarta đến Pangkal Pinang, đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu chỉ 13 phút sau khi cất cánh. Các dữ liệu cho thấy máy bay đã lao xuống biển từ độ cao hơn 1.000m, với vận tốc 640 km/h. Bộ phận đo vận tốc không khí của máy bay đã gặp trục trặc trong 4 chuyến bay gần đây trong đó bao gồm cả chuyến bay cuối cùng khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.