Theo bản cập nhật mới nhất của báo cáo Tình trạng loại bỏ CO2 do Đại học Oxford công bố ngày 4/6, các chuyên gia cho rằng khi xem xét các kịch bản giảm phát thải khác nhau, đến năm 2050, thế giới phải loại bỏ từ 7-9 tỷ tấn CO2 khỏi khí quyển. Báo cáo trước đó cho biết thế giới đang loại bỏ 2 tỷ tấn CO2 chủ yếu thông qua hoạt động tái trồng rừng, trong khi đã thải ra 40 tỷ tấn trong năm ngoái. Tuy nhiên, việc mở rộng ồ ạt các khu rừng hấp thụ CO2 có thể cần nhiều đất đai để trồng cây lương thực và sản xuất nhiên liệu sinh học, trong khi vẫn chưa chắc chắn liệu những công nghệ mới hút khí CO2 từ khí quyển có thể được mở rộng đủ nhanh hay không.
Hơn 50 nhà nghiên cứu nhận định bên cạnh việc giảm nhanh lượng khí thải vốn là chiến lược giảm thải quan trọng nhất, việc loại bỏ CO2 khỏi khí quyển cũng cần thiết để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ) thừa nhận cần phải thu giữ carbon nhưng chưa thực sự đề cao vai trò của quá trình này trong các kịch bản nhằm đạt được trung hòa carbon. Tuy nhiên, theo báo cáo, quá trình loại bỏ CO2 hiện đang được chú trọng trong các nghiên cứu, chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và các công ty khởi nghiệp. Mặc dù vậy, quá trình này đang có dấu hiệu chậm lại do vấn đề chính trị và thiếu nguồn tài trợ công. Do đó, các nhà nghiên cứu kêu gọi các chính phủ xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình loại bỏ CO2.
Các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận ngoài những phương pháp có tiềm năng đem lại nhiều lợi ích, một số biện pháp thu giữ carbon như lưu trữ dưới lòng đất có thể gây rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái. Theo họ, nếu việc loại bỏ CO2 được thực hiện kém có thể gây rủi ro cho đa dạng sinh học và an ninh lương thực. Do đó, bên cạnh việc kêu gọi phát triển nhanh chóng các công nghệ thu giữ carbon, báo cáo cho rằng thế giới không nên làm chệch hướng khỏi những nỗ lực giảm phát thải để giải quyết khủng hoảng khí hậu: loại bỏ hoàn toàn, nhanh chóng tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch. Một trong những tác giả của báo cáo, nhà nghiên cứu William Lamb cho rằng nếu không giảm mạnh lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng, mục tiêu về mức tăng nhiệt độ Trái Đất được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có thể nằm ngoài tầm với của thế giới ngay cả khi toàn cầu hành động tích cực trong việc loại bỏ carbon.