Người phát ngôn cơ quan trên, bà Ravina Shamdasani cho rằng phiên tòa của Saudi Arabia là “không đủ”, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập.
Phát biểu về thông tin cho rằng cơ quan công tố Saudi Arabia đề nghị án tử hình đối với 5 nghi can trong vụ sát hại ông Khashoggi, bà Shamdasani nhấn mạnh Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ luôn phản đối các bản án tử hình.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong chuyến thăm Saudi Arabia sắp tới, Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo sẽ cập nhật thông tin về công tác điều tra vụ sát hại ông Khashoggi.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đang hợp tác với một số nước thành viên LHQ để điều tra vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia này. Giới chức Ankara đồng thời kêu gọi Riyadh chia sẻ thông tin về công tác điều tra vụ việc với “Thổ Nhĩ Kỳ cũng như toàn thế giới”.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng từng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra "đáng tin cậy" về cái chết của nhà báo Khashoggi.
Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu.
Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ 21 người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Tuy nhiên, Ankara không đồng tình với kết luận sơ bộ trên của Riyadh và khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Liên quan vụ việc này, nhiều nước (trong đó có Mỹ, Đức, Canada....) đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt một số quan chức Saudi Arabia được cho là có liên đới, cũng như tạm ngừng cấp giấy phép xuất khẩu mới về chuyển giao vũ khí cho Saudi Arabia (như Phần Lan, Đan Mạch...).
Vụ việc đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Saudi Arabia với các đồng minh phương Tây và làm sa sút uy tín của vương quốc Hồi giáo này tại khu vực.