Can thiệp chưa có tiền lệ vào chuyên cơ Tổng thống hòng bắt Snowden

Sau khi tham dự hội nghị về năng lượng tại Moscow, Tổng thống Bolivia Evo Morales, người mới tuyên bố sẽ cho “kẻ lộ bí mật” tị nạn, cùng phái đoàn chính phủ Bolivia đã rời Nga trên chuyến bay đi qua không phận châu Âu để trở về Nam Mỹ.

 

Tuy nhiên, chuyến bay của ông Morales đã vấp phải sự can thiệp chưa từng xảy ra với một chuyên cơ tổng thống sau khi xuất hiện nghi ngờ trên máy bay có chở theo nhân vật đang bị Mỹ truy lùng ráo riết, Edward Snowden.

 

Chuyên cơ Tổng thống Bolivia đậu tại sân bay quốc tế Vienna sau khi phải hạ cánh xuống đây trong đêm 2/7.

Chính quyền Bồ Đào Nha và Pháp đã ra lệnh đóng cửa không phận đối với chuyên cơ chở Tổng thống Bolivia trong một nỗ lực được cho là nhằm buộc chiếc máy bay phải hạ cánh xuống một nước khác, nơi giới chức liên quan có thể can thiệp, bắt giữ Snowden và trao trả cho Mỹ.

 

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Bolivia, David Choquehuanca đã chỉ trích hành động của Pháp và Bồ Đào Nha là dựa trên “tin đồn nhảm” và đặt tính mạng của Tổng thống Morales và toàn bộ phái đoàn Bolivia vào tình trạng nguy hiểm do vấn đề nhiên liệu máy bay.

 

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao thế giới, một quốc gia đóng cửa không phận đối với phi cơ tổng thống của một nước không đối địch bất chấp chuyến bay đã lên kế hoạch hạ cánh để tiếp nhiên liệu tại đó. Sự việc cũng gây ra một vụ bê bối ngoại giao quốc tế ở cấp độ cao nhất.

 

Chuyến bay chở phái đoàn Bolivia đã lên kế hoạch tiếp nhiên liệu tại Pháp trước khi trở lại hành trình dài ngang qua Đại Tây Dương. Sau khi bị từ chối, chiếc phi cơ đã buộc phải chuyển hướng tới Áo, quốc gia trước đó đã từ chối cho Snowden tị nạn. 

 

Dù chưa có bất cứ lời thừa nhận chính thức nào từ bất cứ quốc gia nào liên quan đến áp lực từ Mỹ nhằm truy bắt Snowden, thì đây vẫn là giả thuyết hợp lý nhất (tuy vẫn có báo cáo cho rằng Pháp và Bồ Đào Nha chỉ đơn giản là không muốn gặp rắc rối với Snowden nếu anh ta hạ cánh xuống đất nước họ và xin tị nạn). Những kiểu xử sự như vậy nhằm vào nguyên thủ quốc gia của một nước không có mâu thuẫn là chưa từng có tiền lệ. Đây cũng là hành vi vi phạm ghê gớm đối với quyền được tự do đi lại của các nhà lãnh đạo thế giới.

 

Trả lời phỏng vấn CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia, Saavedra cho rằng, chính phủ Mỹ đứng sau tin đồn Snowden đi trên chuyên cơ của Tổng thống Morales. "Thông tin dối trá, hoàn toàn sai lệch. Nó được chính quyền Mỹ tung ra", ông Saavedra phẫn nộ nói và khẳng định, 'đây là hành vi vi phạm các công ước và hiệp ước quốc tế về vận chuyển hàng không". Trong khi đó, Ngoại trưởng Bolivia Choquehuanca tuyên bố: "Bồ Đào Nha nợ chúng tôi một lời giải thích. Pháp cũng nợ chúng tôi lời giải thích".

 

Boliva đương nhiên đã phản ứng giận dữ về vụ việc, nhưng nhiều quốc gia khác không phải không lo ngại. Chính phủ Ecuador đã đề xuất họp khẩn cấp Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) nhằm thống nhất một phản ứng quốc tế thích đáng.

 

Trong khi đó, theo các nguồn tin từ Nga, Edward Snowden vẫn đang ở lại khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo sau khi nộp đơn xin tị nạn tới khoảng 20 quốc gia trên thế giới và đang lần lượt bị từ chối. Bản thân Snowden đã rút đơn xin tị nạn tại Nga vì không muốn đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Putin rằng anh phải từ bỏ gây tổn hại tới Mỹ thông qua việc tiết lộ các thông tin mật.

 

Thu Hằng  (Theo Voice of Russia)

Bolivia bác tin Snowden đi trên chuyên cơ của Tổng thống
Bolivia bác tin Snowden đi trên chuyên cơ của Tổng thống

Ngày 2/7, Ngoại trưởng Bolivia David Choquehuanca đã bác bỏ tin cho rằng cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden đã đi trên máy bay của Tổng thống Bôlivia Evo Morales, bị buộc phải hạ cánh đột xuất tại Áo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN