Công nhân phân loại và xếp gỗ xẻ. Ảnh: Huffingtonpost |
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn lời Bộ trưởng Jim Carr cho biết gói hỗ trợ trên sẽ bao gồm khoản cho vay và đảm bảo cho vay trị giá 605 triệu CAD để giúp các công ty trong ngành công nghiệp gỗ mềm đổi mới sản xuất và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Số tiền 262 triệu CAD còn lại sẽ được chi trong vòng 3 năm để mở rộng các chương trình sản xuất nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ xẻ, triển khai các sáng kiến mới và nới lỏng giới hạn trao đổi lao động để giảm thiểu nguy cơ sa thải nhân công.
Bộ trưởng Jim Carr khẳng định biện pháp này không chỉ giúp ngành công nghiệp gỗ xẻ vượt qua những khó khăn do quyết định gần đây của Mỹ, mà còn để thúc đẩy ngành công nghiệp gỗ mềm trong tương lai. Ông Carr cũng nhấn mạnh bằng cách đa dạng hoá thị trường, Canada sẽ ít bị tổn thương hơn trước những biến động trên thị trường.
Gói trợ cấp của Chính quyền liên bang lập tức nhận được hưởng ứng của ngành công nghiệp gỗ mềm trong nước. Hiệp hội Lâm sản Canada (FPAC) hoan nghênh các sáng kiến do chính phủ khởi xướng, giúp bảo vệ khả năng cạnh tranh của ngành lâm nghiệp trước những thay đổi của thị trường thế giới.
Trước đó, ngày 28/4, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp thuế chống trợ cấp lên tới 24% đối với gỗ mềm nhập khẩu từ Canada khi cho rằng Canada trợ giá không công bằng cho các doanh nghiệp khai thác và chế biến gỗ trong nước để tạo lợi thế xuất khẩu. Các mức thuế có thể sẽ được tiếp tục điều chỉnh tăng lên sau ngày 9/6 khi Mỹ đưa ra quyết định chính thức có áp thêm thuế chống bán phá giá bên cạnh thuế chống trợ cấp hay không.
Cuộc tranh cãi thương mại về gỗ mềm giữa Canada và Mỹ đã kéo dài 19 tháng bất chấp những nỗ lực đàm phán liên tiếp giữa hai nước. Phía Canada tuyên bố nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, Canada sẽ xúc tiến các thủ tục pháp lý khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có thể cả trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Theo ước tính, hiện có khoảng 230.000 người Canada đang làm việc trong ngành lâm nghiệp và có tới 70% gỗ xẻ của Canada xuất sang thị trường Mỹ.