Đáng chú ý là Thủ tướng Trudeau cũng để ngỏ khả năng sẽ còn kéo dài lệnh đóng cửa biên giới này sau ngày 21/6. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình (dịch bệnh) trên thế giới và xung quanh để đưa ra các quyết định tiếp theo”.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tại cuộc họp báo ngày 19/5, Thủ tướng Trudeau cũng khẳng định chính quyền các tỉnh bang mong muốn Ottawa kéo dài thời hạn hiệu lực của lệnh đóng cửa biên giới và giới chức Mỹ cũng hoàn toàn nhất trí. Canada đang phải đối mặt với thách thức lớn khi nằm sát "điểm nóng nhất" trên bản đồ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của thế giới. Mỹ hiện đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca dương tính với virus SARS-CoV-2, với trên 90.000 trường hợp tử vong.
Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh, quyết định kéo dài thời hạn hiệu lực của lệnh đóng cửa đường biên giới dài nhất thế giới này (8.900 km) là “quan trọng để đảm bảo an toàn cho người dân ở cả hai nước Canada và Mỹ”. Trước đó, Thủ thiến tỉnh Ontario Doug Ford đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng Ontario không muốn để các du khách Mỹ nhập cảnh.
Hiện nay, việc đóng cửa biên giới giữa Canada và Mỹ không ảnh hưởng đến hoạt động đi lại thiết yếu, chẳng hạn như vận chuyển thực phẩm, hàng hóa thiết yếu bằng đường sắt và xe tải, để phục vụ chuỗi cung ứng. Các chuyến bay giữa hai nước vẫn tiếp tục được triển khai. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mỗi ngày trung bình có một lượng hàng hóa trị giá khoảng 2,4 tỷ CAD (1,7 tỷ USD) và hơn 400.000 lượt người đi qua biên giới Canada-Mỹ.
Người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada Theresa Tam cho biết, ủy ban cố vấn đặc biệt về COVID-19 đã thảo luận và nhất trí rằng cần thận trọng khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế tại Canada trước khi mở cửa đối với hoạt động đi lại không thiết yếu từ bên ngoài.
Theo số liệu cập nhật trên trang web của Chính phủ Canada ngày 19/5, nước này có 78.499 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.857 trường hợp tử vong.