Canada đối mặt với nguy cơ cạn nguồn thuốc thiết yếu điều trị COVID-19

Các bác sĩ ở Ontario – tỉnh đông dân nhất Canada - được khuyến nghị sử dụng hạn chế thuốc chống viêm tocilizumab - một trong hai loại thuốc được biết đến ở thời điểm này để làm giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 nặng.

Đây là dấu hiệu cảnh báo về những gì sẽ xảy ra ở các tỉnh khác của Canada nếu làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch bệnh tiếp tục dâng mạnh và quốc gia Bắc Mỹ này không thể có thêm nguồn cung thuốc.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 3/1/2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Tình trạng thiếu thuốc tocilizumab chỉ là một trong những thách thức mà các bệnh viện tại Canada phải đối mặt khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó. Chưa có thời điểm nào trong đại dịch mà các tỉnh như British Columbia, Saskatchewan, New Brunswick và Ontario lại có nhiều bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực như hiện nay. Ngày 7/4, Ontario lần đầu tiên trong đại dịch chứng kiến số ca bệnh phải điều trị tích cực vượt mốc 500 ca, một ngày sau khi Bệnh viện Nhi ở Toronto thông báo sẽ mở một đơn vị điều trị tích cực gồm tám giường cho bệnh nhân COVID-19 người lớn, để giúp đối phó với cơn khủng hoảng thiếu giường bệnh. Andrew Morris, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Mạng lưới y tế Đại học Toronto, cho biết, việc điều trị các ca nhiễm COVID-19 nặng không chỉ cần thêm giường, mà còn cần máy thở, nhân lực, thuốc điều trị,...
 
Được bán dưới thương hiệu Actemra, tocilizumab là một kháng thể đơn dòng, ngăn chặn hoạt động của interleukin-6, một loại protein giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể. Trong một năm qua, các bác sĩ đã thử nghiệm hàng chục loại thuốc hiện có để điều trị các ca nhiễm COVID-19, nhưng chỉ có corticosteroid và tocilizumab qua các thử nghiệm lâm sàng cho thấy đủ hữu ích để được kê đơn cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 dạng vừa và nặng.

Hoffman-LaRoche Ltd., công ty sản xuất tocilizumab đang vật lộn với nhu cầu tăng đột biến trên toàn thế giới khi dịch bệnh trỗi dậy mạnh mẽ với sự xuất hiện của các biến thể mới. Vào cuối tháng 2/2021, Bộ Y tế Canada đã đưa tocilizumab vào danh sách thiếu hụt “Cấp độ 3” - biểu thị sự thiếu hụt có nguy cơ tác động mạnh nhất đến hệ thống chăm sóc sức khỏe.  Vào giữa tháng Ba vừa qua, chính phủ liên bang đã ký hợp đồng với Hoffman-LaRoche để mua thêm tocilizumab. 

Srinivas Murthy, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm của Đại học British Columbia dự báo tỉnh  British Columbia sẽ bắt đầu thiếu tocilizumab trong vài tuần tới.

Theo thống kê của Global News, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Canada đã lên tới trên 1.033.000, trong đó hơn 23.200 người đã tử vong.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Ottawa)
Có vaccine, vì sao Đức vẫn chật vật với khủng hoảng làn sóng COVID thứ ba
Có vaccine, vì sao Đức vẫn chật vật với khủng hoảng làn sóng COVID thứ ba

Bộ máy thiếu linh hoạt, một chiến lược bối rối với nhà cung cấp vaccine AstraZeneca và các biện pháp phong toả không nhất quán, đang bị đổ lỗi cho tình cảnh chật vật hiện tại của nước Đức, khác hẳn hình mẫu thành công ở hai làn sóng đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN