Ông Alghabra cho rằng các tàu du lịch gây rủi ro cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Canada và lệnh cấm sẽ giúp các cơ quan y tế tiếp tục tập trung vào chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cũng như ngăn chặn sự lây lan biến thể của virus SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ông Alghabra khẳng định lệnh cấm tạm thời là cần thiết để tiếp tục bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng và tránh gây quá tải cho hệ thống chăm sóc y tế. Nếu vi phạm quy định này có thể bị phạt tiền lên đến 1 triệu CAD (hơn 779.500 USD) hoặc bị phạt tù với thời hạn lên đến 18 tháng.
Khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Canada khi đó là ông Marc Garneau đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với tàu du lịch. Các biện pháp này sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, với quyết định trên, lệnh cấm sẽ có hiệu lực đến ngày 28/2/2022.
Quyết định của Bộ trưởng Alghabra sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho ngành du lịch Canada trong năm thứ hai liên tiếp, ngành từng mang lại nguồn thu lớn cho các tỉnh như Nova Scotia và New Brunswick. Tuy nhiên, một số cảng biển vẫn tiếp tục kế hoạch phục hồi mặc dù không có khách du lịch. Giới chức cảng Saint John cho biết Saint John sẽ chứng kiến một sự thay đổi hoàn toàn về diện mạo phía Tây của cảng, ghi dấu sự thay đổi lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Bên cạnh đó, các tàu du lịch chở hơn 12 người cũng vẫn bị cấm đi vào vùng ven biển Bắc Cực. Cư dân sinh sống ở Bắc Cực là những trường hợp ngoại lệ, có thể sử dụng tàu cho hoạt động vận chuyển thiết yếu, đánh cá, thu hoạch... Chính phủ Canada lo ngại rằng tàu du lịch có thể khiến dịch COVID-19 lây lan mạnh tới cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng sâu, vùng xa ở phương Bắc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Alghabra để ngỏ khả năng dỡ bỏ lệnh cấm trên nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện đến mức có thể an toàn để các tàu du lịch hoạt động trở lại. Trong năm 2019, 140 du thuyền đã đưa hơn 2 triệu du khách tới các cảng của Canada. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy hoạt động du thuyền đóng góp hơn 3 tỷ CAD vào nền kinh tế Canada, với hơn 23.000 người làm việc trong lĩnh vực này.
* Cuba ban hành lệnh giới nghiêm đối với thủ đô La Habana từ tối 5/2 sau khi nước này phải nỗ lực ngăn chặn tình trạng số ca nhiễm mới theo ngày gia tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, và trong thời gian này chỉ có các phương tiện giao thông cũng như những người có giấy phép mới được phép ra ngoài tại thành phố gồm 2,2 triệu dân này.
Trong năm ngoái, Cuba đã kiềm chế được dịch bệnh với tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn mức trung bình, nhưng nước này vừa chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca mắc mới sau khi mở cửa trở lại các sân bay vào tháng 11/2020. Hơn 15.000 ca bệnh ghi nhận vào tháng 1 vừa qua, gần 50% trong số đó là ở La Habana và gấp khoảng 5 lần số ca bệnh hàng tháng trong năm 2020. Chính phủ cho biết phần lớn các ca bệnh có liên quan đến những hành khách vi phạm quy định cách ly tại Cuba, chủ yếu là người Cuba sống ở nước ngoài.
Tháng trước, Cuba đã đóng cửa các trường học ở La Habana và các khu vực khác trên cả nước, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các chuyến bay và hành khách đến Cuba nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong tháng này, Cuba đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày trung bình ở mức 900 ca/ngày, tương tự mức trung bình của quốc tế. Hiện Cuba có tổng cộng 225 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.