Bà Joly đang có chuyến công du Washington để thảo luận với cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của chính quyền Tổng thống Biden trước thềm hội nghị thượng đỉnh của ba nhà lãnh đạo Bắc Mỹ vào tuần tới. Đề xuất khấu trừ thuế dự kiến sẽ là chủ đề tranh luận chính tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, được gọi là Three Amigos, giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, trong bối cảnh các mối quan ngại ngày càng gia tăng về chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.
Chính phủ Canada và Mexico lo ngại rằng chính sách khấu trừ thuế được đề xuất của Mỹ có thể phá vỡ tương lai của ngành sản xuất xe điện ở hai nước này, vì các hãng chế tạo ô tô có thể chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ. Canada và Mexico cũng cho rằng đề xuất này sẽ làm suy yếu các điều khoản liên quan đến lĩnh vực ô tô trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới, vốn hứa hẹn một sân chơi bình đẳng cho lĩnh vực này ở cả ba quốc gia.
Với bản chất tích hợp của ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ, bà Joly cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào của Mỹ cũng sẽ có hại cho người Mỹ, vì nhiều loại xe do Mỹ sản xuất và phụ tùng ô tô xuất khẩu được lắp ráp một phần ở Canada. Bà Joly nhấn mạnh rằng Canada là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về trữ lượng khoáng sản cần thiết để sản xuất ô tô điện.
Một ủy ban của Hạ viện Mỹ vào tháng 9 đã thông qua dự luật sẽ tăng các khoản khấu trừ thuế hiện có cho xe điện. Tính tổng cộng, mỗi chiếc xe điện đủ điều kiện sẽ được khấu trừ thuế lên đến 12.500 USD. Đề xuất này là một phần của dự luật "Xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn" trị giá 1.750 tỷ USD của ông Biden, bao gồm các sáng kiến về biến đổi khí hậu và chi tiêu xã hội khá "mạnh tay".
Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô ở Canada, nhận định rằng các khoản khấu trừ thuế cũng sẽ gây hại cho các công ty Mỹ, hiện sản xuất một triệu xe ô tô ở Canada mỗi năm, sử dụng 50% phụ tùng của Mỹ và 60% nguyên liệu thô của Mỹ.