Canađa ngày 13/12 đã trở thành nước đầu tiên tuyên bố sẽ rút khỏi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu. Quyết định của Canađa giáng một đòn mạnh vào nghị định thư vốn đã gặp trắc trở này và bị các nhà hoạt động môi trường chỉ trích mạnh mẽ.
Những nhà hoạt động môi trường đeo hình nộm Thủ tướng Canađa Stephen Harper tại một cuộc biểu tình ở bên ngoài Hội nghị Durban, Nam Phi. |
Quyết định trên được Bộ trưởng Môi trường Canađa Peter Kent đưa ra hai giờ sau khi ông trở về nước từ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Durban (Nam Phi). Phát biểu với các phóng viên, ông Kent nói: "Đối với Canađa, Nghị định thư Kyoto đã thuộc về quá khứ… Chúng tôi đã dựa vào quyền hợp pháp để chính thức rút khỏi Nghị định thư Kyoto". Ông cho biết ông đã im lặng và đợi đến khi hội nghị kết thúc mới thông báo vì không muốn làm gián đoạn hội nghị.
Theo hãng tin AFP, Canađa từ lâu đã cho rằng Nghị định thư Kyoto không khả thi vì không bao gồm các nước xả khí thải lớn là Mỹ và Trung Quốc. Ông Kent cho biết, Canađa sẽ bị phạt một khoản tiền lên tới 13,6 tỷ USD theo quy định của Nghị định thư Kyoto nếu không cắt giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo yêu cầu vào năm 2012. Bây giờ đã là thời điểm quá muộn và Canađa không thể đáp ứng được yêu cầu này. Canađa sẽ phải thông báo với Liên hợp quốc về quyết định từ bỏ Nghị định thư Kyoto trước cuối năm 2011 để tránh phải nộp phạt. Ngoài ra, ông Kent còn cáo buộc chính phủ của cựu Thủ tướng Jean Chretien ký Nghị định thư Kyoto mà không có hành động để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ông Kent cũng cho hay ông sẽ không ngạc nhiêu nếu các quốc gia khác cũng rút khỏi Nghị định thư Kyoto giống Canađa. Tuy nhiên, ông khẳng định Canađa sẽ hợp tác để tìm ra một thỏa thuận toàn cầu mới trong đó mọi quốc gia xả khí thải lớn phải tham gia.
Những phát biểu của ông Kent đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ phe đối lập và các nhà hoạt động môi trường. Phát biểu thay mặt cho phe đối lập ở quốc hội, bà Megan Leslie thuộc đảng Dân chủ mới, nói: "Chính phủ Canađa đã từ bỏ các cam kết quốc tế. Điều đó giống như hành động của một đứa trẻ con sắp bị lưu ban nên phải bỏ học trước khi điều đó xảy ra". Các nhà hoạt động môi trường cho rằng chính phủ Canađa "bội ước" cam kết tham gia Nghị định thư Kyoto là do không muốn làm tổn thương đến ngành công nghiệp dầu cát đang hứa hẹn phát triển mạnh mẽ nhưng cũng là nguồn thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhanh nhất của nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc và Pháp là những quốc gia đầu tiên đưa ra phản ứng trước quyết định của Canađa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng quyết định rút khỏi Nghị định thư Kyoto là “đáng tiếc” và kêu gọi Canađa tiếp tục thực hiện cam kết về chống biến đổi khí hậu. Bộ Ngoại giao Pháp thì cho rằng quyết định của Canađa là một “tin xấu” cho những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cho đến nay, Nghị định thư Kyoto là văn bản ràng buộc pháp lý duy nhất quy định trách nhiệm cắt giảm khí thải của 37 nước công nghiệp, trừ Mỹ. Theo quy định, giai đoạn I của văn kiện này sẽ hết hạn vào cuối năm 2012 và dự thảo của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 tại Nam Phi vừa qua quy định giai đoạn II của nghị định này sẽ tiếp tục đến hết năm 2017, trước khi các nước đạt được một thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu có hiệu lực muộn nhất vào năm 2020.
Năm 1997, Canađa đã ký Nghị định thư Kyoto và cam kết đến năm 2012 sẽ giảm 6% lượng khí CO2 so với mức năm 1990. Tuy nhiên, lượng CO2 do Canađa thải ra không giảm mà lại còn tăng tới 35% so với năm 1990.
Thùy Dương