Thủ tướng Canađa Stephen Harper cho biết, ông sẽ khởi động các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương với Nhật Bản - đối tác thương mại lớn thứ tư của Canađa, cũng như bàn bạc về khả năng nới lỏng lệnh cấm đối với thịt bò xuất khẩu của Canađa, khi ông dừng chân tại Tôkyô trong chuyến công du châu Á để tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân vào tháng tới.
Mặc dù không bình luận về triển vọng chuyến thăm của ông Harper đến Tôkyô, nhưng một phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Canađa đã thừa nhận rằng chính phủ đang hướng mục tiêu vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương như là một phần trong Chiến lược thương mại toàn cầu của Canađa.
Thủ tướng Canađa Stephen Harper. Nguồn: Internet |
Cả Canađa và Nhật Bản đang cố gắng để tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên theo giới phân tích, FTA song phương với Nhật Bản sẽ có lợi và nhanh hơn là chờ đợi vào TPP.
Peter Clark, Chủ tịch tổ chức tư vấn thương mại quốc tế có tên Grey, Clark, Shih & Associates, nói: "Người Nhật Bản cũng như Canađa không có quá nhiều vấn đề với nhau. Người Mỹ sẽ yêu cầu Canađa trả giá cao để có được sự ủng hộ tham gia TPP nhưng lợi thế thực sự đối với Canađa là các thỏa thuận với Nhật Bản và Việt Nam. Bởi vậy, Canađa nỗ lực làm tốt hơn quan hệ song phương". Theo ông, một thỏa thuận song phương có thể được kết thúc trong vòng một năm và đó là một hỗ trợ vô hình đối với việc tham gia TPP của mỗi nước.
Kim ngạch buôn bán hai chiều Canađa - Nhật Bản đã đạt trên 20 tỷ USD và theo các chuyên gia thương mại, tiềm năng tăng trưởng là rất lớn. Xuất khẩu của Canađa sang Nhật Bản đạt 9,2 tỷ USD trong năm 2010, tăng 10% so với năm 2009, trong khi nhập khẩu theo chiều ngược lại đạt 13,4 tỷ USD. Nhật Bản quan tâm nhiều đến vấn đề đảm bảo nguồn cung từ Canađa trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các sản phẩm gỗ và urani. Trong khi đó, hai bên đều nhìn thấy tiềm năng to lớn trong việc hợp tác giúp gia tăng giá trị sản xuất trong các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, hiện còn có một số vấn đề gây trở ngại cho thỏa thuận giữa hai bên, đó là việc bảo vệ các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp như gà và sữa của Canađa hay gạo của Nhật Bản.
Ông Clark cũng cho rằng việc khởi động các cuộc đàm phán về FTA với Nhật Bản có thể sẽ là động cơ thúc đẩy Hàn Quốc để quay trở lại bàn đàm phán FTA với Canađa vốn bị đình trệ suốt bốn năm qua.
FTA giữa Canađa với Nhật Bản và Hàn Quốc, một khi được thực thi, sẽ mang đến viễn cảnh nhiều ô tô châu Á được nhập khẩu vào Canađa, nếu mức thuế 6,1% đối với xe nhập khẩu từ bên ngoài Bắc Mỹ được loại bỏ. Tuy nhiên, động thái này có thể phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của các nghiệp đoàn ô tô tại Canađa, vì họ lo ngại rằng ô tô châu Á tràn vào sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm và doanh thu của các hãng sản xuất ô tô nội địa.
TTXVN/ Tin Tức