Bộ trưởng Jody Wilson-Raybould khẳng định bà Mạnh Vãn Chu có quyền yêu cầu được xét xử theo đúng luật định như bất kỳ cá nhân nào bị bắt giữ trên đất Canada – quốc gia có nền tư pháp độc lập và công bằng. Bộ trưởng Tư pháp Canada nhấn mạnh không có bất cứ sự can thiệp hay “định hướng” chính trị nào liên quan đến quyết định bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu của tòa án tỉnh British Columbia.
Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Vancouver, Canada ngày 1/12. Tại phiên tòa diễn ra ở Vancouver ngày 7/12, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. CFO của Huawei có thể sẽ phải chịu mức án tù cao nhất là 30 năm với mỗi cáo buộc kể trên. Sau đó, tòa án tỉnh British Columbia của Canada ngày 11/12 đã cho phép bà Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10 triệu CAD (tương đương 7,5 triệu USD) và một số điều kiện khác, như phải đeo vòng giám sát và ở nhà trong khoảng thời gian từ 23h hôm trước đến 6h hôm sau.
Theo các điều khoản của hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Canada, Mỹ có 60 ngày kể từ ngày bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ để đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức. Các quan chức của Bộ Tư pháp Canada sẽ có thêm 30 ngày để ra quyết định chính thức về tiến trình dẫn độ. Sau đó, Tòa án tối cao của British Columbia sẽ mở phiên tranh luận về việc dẫn độ. Người bị yêu cầu dẫn độ có thể kháng cáo lên tòa án các cấp cao hơn. Nếu các tòa cấp cao hơn và tòa phúc thẩm thông qua quyết định cho phép dẫn độ, thì Bộ trưởng Tư pháp sẽ ra quyết định về việc này.
Là tập đoàn cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất và nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, Huawei từ lâu đã nằm trong "tầm ngắm" của Nhà trắng. Huawei cũng đã thiết lập được một mạng lưới quan hệ rộng khắp các trường đại học của Canada để kiến tạo một kênh sở hữu trí tuệ bền vững nhằm hỗ trợ phát triển mạng di động 5G. Hiện giới chuyên gia đánh giá cơ hội để Chính phủ Canada cho phép Huawei tham gia vào mạng lưới 5G ở “xứ sở lá phong” nay đã trở nên hẹp hơn bao giờ hết.