Bộ trưởng Nhập cư Marco Mendicino cho biết Ottawa đang làm việc với các tỉnh/vùng lãnh thổ, nơi nắm giữ dữ liệu về tiêm chủng, để xây dựng một chứng nhận nhất quán. Chính phủ Canada cũng đang làm việc với các quốc gia khác để công nhận các chứng nhận được cấp ở Canada. Chứng nhận tiêm chủng của liên bang Canada sẽ bao gồm dữ liệu về loại vaccine, ngày, tháng và địa điểm tiêm.
Theo Bộ trưởng Các vấn đề liên chính phủ Dominic LeBlanc, chính phủ hy vọng sẽ áp dụng chứng nhận kỹ thuật số nhưng cũng sẽ cung cấp cả bản in giấy cho những người có nhu cầu.
Thông báo trên được Chính phủ Canada đưa ra trong bối cảnh các cuộc tranh luận về việc triển khai bằng chứng tiêm chủng đang ngày một "nóng" hơn trên toàn quốc.
Ở tỉnh Quebec, bắt đầu từ tháng 9 tới, những người muốn đến các cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán bar, nhà hàng, phòng tập thể dục và các lễ hội cần xuất trình mã QR để chứng minh rằng đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Tỉnh Manitoba cũng đã phát hành thẻ chứng nhận cho những người dân đã hoàn thành mũi tiêm thứ hai được 2 tuần. Trong khi đó, Thủ hiến tỉnh Alberta Jason Kenney tiếp tục khẳng định tỉnh này sẽ không triển khai tài liệu chứng nhận tiêm chủng.
Canada đã và đang sử dụng ứng dụng ArriveCAN cho những người nhập cảnh Canada để khai báo tình trạng tiêm chủng.
Hiện nay, số ca mắc mới COVID-19 bắt đầu tăng trở lại trên khắp Bắc Mỹ, với biến thể Delta chiếm đa số các ca nhiễm mới. Thống kê cho thấy khoảng 81% người dân Canada đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 và % đã hoàn thành tiêm chủng.
* Cùng ngày, Thượng viện Brazil đã thông qua luật cho phép tổng thống dỡ bỏ tạm thời bản quyền về vaccine và các thành phần vaccine trong các tình huống y tế hoặc vấn đề cộng đồng khẩn cấp, như đại dịch COVID-19. Dự luật này đã được Hạ viện thông qua trước đó và sẽ được trình Tổng thống Jair Bolsonaro ký ban hành.
Thượng viện Brazil đã khôi phục một số điều khoản trong dự luật mà Hạ viện đã loại bỏ, bao gồm các điều khoản yêu cầu các bên được cấp bằng sáng chế chia sẻ thông tin và vật liệu sinh học cần thiết để tái sản xuất vaccine cũng như các hình phạt mà họ có thể phải đối mặt nếu không tuân thủ.
Tổng thống Bolsonaro đã từng phản đối đề xuất này, cho rằng điều này có thể ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ của Brazil với các nhà sản xuất vaccine. Theo ông, Brazil sẽ không có công nghệ để sản xuất một số loại vaccine ngay cả khi bằng sáng chế được dỡ bỏ.
* Cũng trong ngày 11/8, Chile bắt đầu tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 bổ sung nhằm có được thành công sớm sau khi là một trong những nước có tốc độ tiêm chủng cộng đồng nhanh nhất thế giới.
Hàng dài người cao tuổi đã xếp hàng từ sáng tại các trung tâm tiêm chủng để được tiêm mũi bổ sung. Cho đến nay, 67% người dân nước này đã được tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, Chính phủ Chile tuần trước cho biết cần tiêm mũi bổ sung để tăng cường miễn dịch. Do đó, ngày 11/8, nước này bắt đầu tiêm mũi bổ sung cho những người trên 86 tuổi, được tiêm mũi đầu trước ngày 31/3.
Hiện không chỉ Chile mà một số nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Đức, Pháp, Israel... triển khai việc tiêm mũi vaccine tăng cường, bất chấp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi trì hoãn việc này cho đến khi có nhiều người hơn trên thế giới được tiêm mũi đầu tiên.
Ông Fernando Leanes, đại diện WHO tại Chile cho rằng chưa đủ dữ liệu để khẳng định sự cần thiết của việc tiêm mũi bổ sung. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine còn hạn chế, các nước cần cân nhắc thực thi kế hoạch này. Ông Leanes nhấn mạnh nếu vẫn còn các nước chưa hoàn thành việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên y tế, thì đây sẽ vẫn là mối đe đọa với tất cả các nước.