Sự kiện này thu hút hơn 200 người là quan chức chính quyền Canada, các nhà ngoại giao ASEAN, các doanh nhân và chuyên gia của cả hai phía.
Hội nghị được đặc biệt quan tâm bởi đề cập tới hàng loạt các vấn đề liên quan trực tiếp tới Canada và ASEAN như các cơ hội và chính sách về thương mại đầu tư, chia sẻ về chuyên môn và kinh nghiệm của các chuyên gia để hướng tới những bước hợp tác cụ thể giữa hai bên trong thời gian tới.
Giám đốc CABC khu vực Montreal, bà TB Nguyen, chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Canada rằng với sự tham dự của hàng trăm doanh nhân, quan chức và các bên liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp Canada hướng vào thị trường ASEAN, sự kiện này sẽ góp phần tạo ra nhiều cơ hội hơn cho giới kinh doanh Canada để họ có thể hợp tác tốt hơn với khu vực này ở nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ xanh, công nghệ sạch và chuyển đổi năng lượng.
Bà TB Nguyen đánh giá rằng điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội như các thành viên và diễn giả trong hội nghị đã chứng minh.
Canada đã tích cực xúc tiến các sáng kiến thương mại chiến lược của mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó tập trung vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) với toàn ASEAN và riêng Indonesia. Dự kiến hai hiệp định này sẽ hoàn tất vào năm 2025 và sẽ trở thành chất xúc tác quan trọng để bổ sung cho mối quan hệ thương mại giữa hai bên.
Quan hệ thương mại đầu tư giữa hai bên hiện chủ yếu thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có bốn quốc gia ASEAN tham gia. Việc hoàn tất Hiệp định thương mại tự do với ASEAN sẽ giúp GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Canada tăng thêm 2,5 tỷ USD và GDP của toàn ASEAN tăng thêm gần 40 tỷ USD.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Canada và là nguyên Thủ hiến Quebec, ông Jean Charest, sau sự xuất hiện của COVID-19 và những vấn đề về an ninh quốc gia, điều mà Canada học hỏi được là nước này sẽ có lợi ích trong việc đa dạng hóa hoạt động thương mại của mình ở châu Á và ASEAN.
Ông này cho rằng Canada đã nhìn thấy cơ hội tăng trưởng ở ASEAN thông qua thương mại đầu tư. Vì vậy, Canada đang tiến hành đàm phán một hiệp định thương mại cực kỳ quan trọng để có thể đặt ra các quy tắc thương mại giúp dễ dàng tiếp cận các thị trường ở nơi đó.
ASEAN là một thị trường tương đối lớn, với gần 700 triệu dân. Khu vực này đang rất quan tâm tới các lĩnh vực như năng lượng, môi trường cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, những lĩnh vực mà người Canada có chuyên môn sâu và nguồn lực tài chính để hỗ trợ phát triển. Phía Canada đang có kế hoạch thành lập Phòng thương mại Canada - ASEAN để cùng Hội đồng kinh doanh Canada - ASEAN hỗ trợ cho các doanh nghiệp Canada nắm bắt cơ hội tại đây.
Trong ASEAN, Việt Nam đang được coi là một nền kinh tế năng động và là cửa ngõ để vào khu vực đối với các doanh nghiệp Canada. Việt Nam và Thành phố Montreal hiện đã có thể kết nối trực tiếp thông qua vận tải biển từ cảng Hải Phòng, tạo thuận lợi cho các lĩnh vực hậu cần và chuỗi cung ứng.
Chủ tịch điều hành CABC Wayne Farmer nhận xét Việt Nam đang tìm cách phi carbon hóa và chuyển đổi năng lượng, các lĩnh vực mà các nhà đầu tư Canada có thể tham gia. Bản thân Việt Nam là một mô hình thu nhỏ của tất cả các ngành công nghiệp mà mọi người đang thấy.
Ông này cho rằng Việt Nam đang ngày càng trở thành một phần của chuỗi cung ứng sản xuất và cung cấp hàng hóa cho Canada. Tất nhiên, đây là cơ hội theo cả hai chiều, cho người tiêu dùng Việt Nam mua sản phẩm của Canada và cho cả các công ty Canada sử dụng những công ty Việt Nam như một phần của chuỗi cung ứng hàng hóa đó.
Canada là quốc gia dựa vào xuất khẩu, lĩnh vực chiếm 60% GDP của nước này. Hàng xuất khẩu của Canada cũng phụ phần lớn vào thị trường Mỹ, nơi có thể sẽ trở nên khó khăn hơn. Việc tìm tới ASEAN và Việt Nam là một trong những phương án nhằm đa dạng hóa thị trường và nơi đây sẽ sớm trở thành những điểm đến của giới kinh doanh Canada trong tương lai.