Theo trang The Guardian (Anh), giống như phần còn lại của Australia, chương trình tiêm chủng của Canberra có khởi đầu chậm chạp, chỉ bắt đầu từ tháng 2 và bị cản trở bởi các vấn đề về nguồn cung, lời khuyên hỗn loạn về các loại vaccine sẵn có và người dân không muốn tiêm chủng vì nguy cơ mắc COVID-19 thấp. Mãi cho đến tháng 8, khi biến thể Delta bùng phát tại Sydney, lan rộng sang Canberra và Vùng lãnh thổ thủ đô (ACT), cảm giác cấp bách mới xuất hiện.
Các nhóm y tế công cộng của ACT đã bắt đầu triển khai tiêm chủng cho người dân trong khu vực một cách nghiêm túc sau khi các vấn đề nguồn cung được đảm bảo. Giới chức ước tính gần như toàn bộ dân số của khu vực này sẽ được tiêm phòng vào tháng 11.
“Với đà tiêm chủng hiện tại, ACT sẽ trở thành một trong những thành phố được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới. Chúng tôi dự kiến sẽ có khoảng 99% dân số đủ điều kiện được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 11. Đó là minh chứng cho thấy người dân ACT luôn sẵn sàng bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng của mình”, Andrew Barr, Thủ hiến Vùng lãnh thổ thủ đô, nói.
Giới chức cho biết người dân Canberra đã chấp thuận tiêm chủng mà hầu như không có bất kỳ lo ngại nào.
“Điều vô cùng có lợi cho ACT là việc triển khai tiêm chủng hiệu quả. Các trung tâm tiêm chủng đại trà của chúng tôi đã cung cấp vaccine cho phần lớn người dân Canberra một cách dễ dàng và đơn giản. Các y tá và nhân viên tại các trung tâm tiêm chủng của chúng tôi đang điều hành các chương trình tiêm chủng hiệu quả nhất trong cả nước, với tỷ lệ tiêm chủng gần 100%”, ông Barr nói.
Các mạng lưới y tế cơ sở, bác sĩ đa khoa và các hiệu thuốc đã đóng góp lớn vào sự thành công của chương trình tiêm chủng ở Canberra. ACT đã triển khai các chương trình tiêm chủng riêng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương và thiệt thòi. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách đối với nhiều cư dân, những người sẽ phải đối mặt với những thách thức tiếp cận vaccine nếu không được hỗ trợ và đã góp phần vào tỉ lệ tiêm chủng rất cao của khu vực.
Bà Alicia Payne, thành viên nghị viện Australia, cho biết tinh thần trách nhiệm của công dân Canberra đã tạo nên kỳ tích tiêm chủng cho cộng đồng: “Những người dân Canberra đã nỗ lực hết mình để bảo vệ cộng đồng của họ. Họ rất vui vẻ và tự hào khi được tiêm chủng. Nhiều người Canberra còn chia sẻ những bức ảnh sau khi tiêm chủng trên mạng xã hội”.
Ngoài ra, số dân ít, học vấn cao cũng góp phần giúp Canberra có khả năng trở thành thành phố được tiêm chủng nhiều nhất trên Trái Đất với ít hỗn loạn nhất. Dân số của ACT chỉ trên 430.000 người, có trình độ học vấn trung bình cao nhất và được trả lương cao nhất ở Australia. Dựa trên dữ liệu điều tra dân số, thu nhập trung bình hàng tuần của người dân Canberra cao hơn 350 USD/tuần so với mức trung bình của quốc gia.
Người Canberra cũng có trình độ học vấn đại học cao hơn so với phần còn lại của quốc gia, với 30% dân số có nghề nghiệp thuộc chuyên môn của họ. Lực lượng hành chính của chính phủ chiếm gần 20% lực lượng lao động ở Canberra, trong đó quốc phòng chiếm hơn 6%.
Tại Australia, vaccine được phân phối như một “tấm vé” thông thường mà bất kể ai cũng có thể mua được. Nhìn chung, người dân đủ điều kiện đều đồng ý tiêm chủng sau khi vaccine phổ biến rộng rãi. Australia sẽ đạt tỉ lệ tiêm chủng trung bình 80% trên toàn quốc vào tháng 12. Tháng này, thành phố Melbourne đã là khu vực bị phong tỏa lâu nhất thế giới, với hơn 250 ngày và con số này đang tiếp tục tăng lên. Sydney, thành phố đông dân nhất của quốc gia, cũng đã nới lỏng sau 106 ngày khóa cửa vào hôm 11/10, khi đạt được mục tiêu tiêm chủng 70%.
Vùng lãnh thổ thủ đô đã áp lệnh phong tỏa từ ngày 12/8 và dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 15/10 tới để chuyển sang trang thái “bình thường mới”. Đã dành quá lâu cho thời gian phong tỏa, hầu hết người Australia, đặc biệt là người Canberra, đang nỗ lực tái gia nhập thế giới một cách an toàn.