Đây là nhận định được đăng trên trang mạng của hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 11/4. Ấn Độ đã cam kết chi hơn 500 triệu USD để phát triển cảng biển chiến lược tại Chabahar, nằm cách thủ đô của Iran 1.800 km. Từ năm 2003, Ấn Độ đã thể hiện quan tâm và “cảm tình” với cảng biển Chabahar. Tuy nhiên, sau nhiều năm "đắp chiếu" dự án, Iran đã chuyển hướng sang đối tác tiềm năng khác là Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ thi công cảng biển Chabahar.
Cảng biển Chabahar. Ảnh: AP |
Tờ Dawn (Pakistan) đưa tin rằng trong chuyến thăm tới Islamabad vào tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định ông chào đón đầu tư từ Trung Quốc và Pakistan tại Chabahar. Ngoại trưởng Iran còn đề cập đến mô hình đầu tư của Trung Quốc với cảng biển tại Gwadar (Pakistan).
Người đứng đầu Phòng Thương mại Iran-Ấn Độ, ông Ebrahim Jamili, cho rằng đối với Tehran, phát triển cảng Chabahar là bước đi quan trọng bởi nơi đây được kỳ vọng trở thành trung tâm thương mại tại Vịnh Oman. Bên cạnh đó, Iran tin rằng việc phát triển cảng Chabahar với hỗ trợ từ nước ngoài là minh chứng cho Mỹ thấy Tehran không còn bị cô lập.
Sự chuyển hướng sang Trung Quốc có thể hợp lý với Iran, vốn hy vọng đảm bảo thành công kinh tế tại Chabahar nhưng đồng thời lại trở thành thất bại chiến lược của Ấn Độ. Theo Bloomberg, Ấn Độ không hề muốn viễn cảnh Trung Quốc bành trướng tại Ấn Độ Dương bởi trên thực tế yếu tố Bắc Kinh đã hiện hữu tại một số cảng biển từ Myanmar tới Bangladesh và Sri Lanka.
Trong trường hợp Trung Quốc can thiệp tài chính vào cảng biển Chabahar, gần với biên giới giữa Iran và Pakistan, thì Ấn Độ sẽ bị giảm lợi thế đầu tư. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa hề hồi đáp lại câu hỏi từ Bloomberg liên quan đến diễn biến này.
Nhà nghiên cứu David Brewster tại Đại Học Quốc gia Australia nhận định rằng trong mắt Ấn Độ, sự hiện diện của Trung Quốc tại Chabahar có thể là “bình phong” để Bắc Kinh giám sát động thái của New Delhi qua biển Arab.
Vị trí của cảng biển Chabahar. Ảnh: Bloomberg |
Tuy chưa thể khẳng định Trung Quốc sẽ đáp ứng đề nghị của Iran hay không nhưng điều chắc chắn là khi Bắc Kinh rót tài chính thì tốc độ thi công cảng biển Chabahar sẽ được đẩy nhanh.
Ông Manoj Joshi tại Quỹ nghiên cứu Observer có trụ sở ở New Delhi đánh giá so với Ấn Độ, Trung Quốc có kết nối sâu hơn với Iran. Hiện tại giữa Iran và Trung Quốc có một hệ thống tàu hỏa liên quốc gia và Bắc Kinh đã đầu tư rất mạnh vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Từ năm 2003, Ấn Độ gật đầu hỗ trợ Iran mở rộng cảng biển Chabahar, xây dựng thêm hai khu chức năng tại đây. Tuy nhiên, tiến độ đã chậm lại theo sau lệnh trừng phạt phương Tây áp dụng đối với Iran. Chỉ đến năm 2015, khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, lệnh trừng phạt mới bắt đầu được nới lỏng. Song vẫn xảy ra tình trạng trì hoãn trong 2 năm sau đó bởi khúc mắc liên quan đến việc liệu Ấn Độ có nên trả 30 triệu USD tiền thuế tiêu thụ đối với các thiết bị cảng biển được nhập khẩu vào Iran hay không.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar ngày 9/2 nhấn mạnh việc thi công cảng biển Chabahar đang diễn ra thuận lợi và hai phía đều gặp gỡ trao đổi thường xuyên. Tuy nhiên, ông Kumar không nêu chi tiết thời gian dự kiến hoàn thiện công trình. Ông Kumar cũng xác nhận quyền lựa chọn đối tác thuộc về phía Iran.