Theo Bloomberg ngày 3/8, chuyến hàng chở dầu đầu tiên qua cảng này vào ngày 24/7. 700.000 thùng dầu đã được dỡ xuống để một tàu khác đến nhận từ cảng El Hamra chỉ vài giờ sau đó. Theo dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg, có những suy đoán rằng các lô hàng có thể gồm một số hoặc toàn bộ dầu thô và sản phẩm dầu của Nga.
Các chuyên gia nhận định động thái vô cùng bất thường trên khiến đích đến cuối cùng của dầu Nga khó theo dõi hơn nhiều.
El Hamra có 6 bồn chứa với sức chứa 1,5 triệu thùng. Kho dầu được xây dựng để trữ dầu thô được sản xuất ở sa mạc phía tây của Ai Cập. Tại đây, người ta có thể trộn các thùng dầu của Nga với dầu sản xuất tại Ai Cập.
Mặc dù Ai Cập đã được Nga sử dụng làm tuyến đường vận chuyển dầu nhiên liệu, nhưng vẫn chưa rõ liệu Nga chỉ dùng cảng El Hamra một lần hay sẽ coi đây là tuyến đường quan trọng hơn để vận chuyển dầu thường xuyên.
Trước đó, các tàu chở dầu thô của Nga đã vận chuyển hàng hóa từ tàu sang tàu giữa Đại Tây Dương hoặc ngoài khơi thành phố Ceuta ở Bắc Phi thuộc Tây Ban Nha. Đó cũng là một vị trí bất thường khác trong hoạt động chuyển dầu vì hoạt động này thường diễn ra ở các vị trí gần bờ an toàn hơn.
Ngoài ra, còn có một đợt vận chuyển dầu thô khác dường như đã diễn ra ở Johor, gần Singapore vào tháng 6 vừa rồi. Johor là một điểm nóng mới nổi để vận chuyển dầu thô Iran tới Trung Quốc.
Nga đang cố gắng xác định và thử các tuyến đường cũng như cách thức khác nhau để bán các sản phẩm năng lượng cho người mua, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia chủ chốt.
Trước đó, ngày 27/7, một quan chức cao cấp từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cho biết nhóm này dự định sẽ triển khai cơ chế áp giá trần với dầu mỏ xuất khẩu của Nga muộn nhất là vào ngày 5/12 khi các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô Nga có hiệu lực.
G7 muốn đảm bảo cơ chế trần giá sẽ có hiệu lực cùng lúc với các biện pháp trừng phạt của EU. Hồi tháng trước, các nước G7 gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italy và Anh thông báo sẽ xem xét áp trần giá với dầu mỏ xuất khẩu của Nga để hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Moskva. G7 đang nỗ lực thuyết phục Trung Quốc và Ấn Độ cùng tham gia cơ chế này trong bối cảnh hai thị trường lớn của thế giới đều đang mua dầu thô Nga với giá ưu đãi.
G7 dự kiến sẽ công bố mức giá trần mà nhóm này áp dụng với dầu mỏ xuất khẩu từ Nga để các nước khác có thể tham khảo trong đàm phán giá với Moskva. Quan chức nói trên cũng cho biết Trung Quốc và Ấn Độ bày tỏ quan tâm tới ý tưởng giúp giảm chi phí nhập khẩu dầu.
G7 muốn tập hợp một liên minh các nước nhập khẩu cùng áp dụng một mức giá trần với dầu thô xuất khẩu của Nga. Mức giá này phải vừa đảm bảo cao hơn chi phí sản xuất tại Nga để khuyến khích Moskva duy trì sản lượng nhưng vẫn phải thấp hơn mức giá thị trường đang quá cao hiện nay. Trước đó, trong một cuộc họp báo ngày 22/7, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina tuyên bố Moskva sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia quyết định áp đặt giá trần đối với dầu mỏ của nước này.
Mức giá trần mà Mỹ và các nước đồng minh đang thảo luận để áp lên dầu mỏ Nga là trong khoảng 40-60 USD/thùng. Phương Tây cho rằng mức giá này vừa làm giảm doanh thu của Nga từ dầu, mà vẫn hạn chế tối đa tác động lên nền kinh tế các nước.