Cảng Pirée - Chỗ đứng chân của Trung Quốc ở châu Âu

Tháng 10/2009, COSCO Group, một doanh nghiệp Trung Quốc chuyên về hậu cần và cho thuê tàu biển có trụ sở tại Thượng Hải và hoạt động trên khắp thế giới, đã ký hợp đồng thuê cảng Pirée của Hy Lạp, cảng lớn nhất châu Âu về lượng hành khách chuyên chở, trong 35 năm. Sự kiện này đã làm dấy lên một làn sóng lo ngại trong dư luận Hy Lạp, giới kinh doanh nước này và châu Âu cũng như các đối tác phương Tây về sự “bành trướng” của Trung Quốc về kinh tế.

Cảng Pirée của Hy Lạp. Ảnh: Internet


Chuyên gia kinh tế Maria Manoli của tạp chí "Phát thanh" nói rằng, những người chưa bao giờ có cơ may đi tàu đến nhiều hòn đảo du lịch của Hy Lạp sẽ không thấy được tầm quan trọng của cảng Pirée. Pirée là hải cảng chính của Hy Lạp và chỉ cách thủ đô Aten 12 km. Đây không chỉ là cảng hành khách lớn nhất của châu Âu mà còn là một trong 10 trạm trung chuyển lớn nhất châu lục về chuyên chở côngtenơ bằng đường biển. Nhưng tạp chí "Phát thanh" dẫn lời ông Wei Jiafu, Tổng Giám đốc tập đoàn COSCO, cho biết, tình hình đó sẽ thay đổi.

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây của cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, ông Wei Jiafu cho biết, tổ hợp COSCO đang xây "tổ phượng hoàng" ở cảng Pirée, đồng thời khích lệ các doanh nghiệp đầu tư vào Hy Lạp và tham gia quá trình "tư bản hóa toàn cầu" đang được Trung Quốc tiến hành. Ông tỏ ý tin tưởng Hy Lạp sẽ đóng vai trò cơ bản là chiếc cầu nối giữa châu Âu và Trung Hoa, đồng thời là hạt nhân trong chuyên chở côngtenơ bằng đường biển ở Địa Trung Hải.

Chuyên gia Maria Manoli khẳng định chắc chắn Trung Quốc có ý định biến cảng Pirée thành một Rotterdam ở miền nam châu Âu trong lúc Hy Lạp gặp vô vàn khó khăn tài chính hiện nay. Trung Quốc biết họ cần làm gì và đã vạch ra một kế hoạch rõ ràng cho tương lai. Tập đoàn COSCO sẽ đầu tư khoảng 550 triệu USD để nâng cấp hạ tầng cảng và xây dựng một cầu cảng mới có thể tiếp nhận một số lượng tàu lớn gấp 3 lần hiện nay. Năng lực vận chuyển và bốc xếp của cảng Pirée dự kiến sẽ tăng từ 1,6 triệu côngtenơ hiện nay lên 3,7 triệu trong tương lai.

Một chuyên gia khác là Peter Leach nhận định đây mới chỉ là một trong những giai đoạn mà Trung Quốc đang thực hiện để thiết lập một mạng lưới hải càng, trung tâm hậu cần và thậm chí cả đường sắt cho phép phân phối sản phẩm của mình trên toàn châu Âu. Ông cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc định thiết lập “Con đường tơ lụa” thời hiện đại để giúp thúc đẩy thương mại Đông - Tây. Đây cũng có thể trở thành một thứ như chỗ đứng chân của Trung Quốc ở châu Âu.

Khi ký thỏa thuận thuê cảng Pirée nói trên, Trung Quốc không những có được một đối tác chiến lược mà còn có cả cửa ngõ độc nhất để đưa hàng hóa vào các vùng Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, ở Hy Lạp, không phải ai cũng hồ hởi đón nhận tin này. Hợp đồng nói trên bị coi như một phi vụ bán tài sản của nhà nước cho người nước ngoài. Một ngày sau khi thỏa thuận được ký kết, nhiều cuộc bãi công của công nhân cảng đã nổ ra vì họ cảm thấy tương lai của mình không được đảm bảo và điều kiện làm việc sẽ bị ảnh hưởng. Có thể nhiều người trong số họ sẽ mất việc làm khi máy móc được đưa vào và cần có nhân công có trình độ hơn trong quá trình hiện đại hóa cảng.

Liệu Trung Quốc có nắm hoàn toàn quyền kiểm soát cảng Pirée không? Hàng hóa của các nước khác có được trung chuyển qua đây không hay chỉ có hàng của Trung Quốc? Muốn đưa hàng qua cảng Piirée có cần phải được tập đoàn COSCO cho phép không? Hiện chưa có câu trả lời cuối cùng.
Giới chuyên gia cho rằng dù câu trả lời là gì, Hy Lạp chắc chắn được hưởng lợi từ khoản đầu tư của Trung Quốc. Tập đoàn COSCO sẽ tuyển thêm khoảng 650 nhân viên người Hy Lạp và các nhà quản lý cảng sẽ nhận được 4,5 tỷ euro tiền thuê cảng do phía Trung Quốc chi trả. Bên cạnh đó, hạ tầng cảng được nâng cấp, năng lực vận chuyển cao hơn và chất lượng dịch vụ tăng lên. Nhiều doanh nghiệp mới của Trung Quốc cũng có thể đầu tư vào cảng này.

Trần Mạch(P/v TTXVN tại Angiêri) 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN