Căng thẳng gia tăng tại Bờ Tây sau hàng loạt các vụ bạo lực khiến 5 người Palestine và 2 người Israel thiệt mạng chỉ trong vòng 2 tuần qua. Các quan chức PA cho rằng việc quân đội Israel tiến hành những cuộc đột kích hằng ngày nhằm vào các thành phố, làng mạc và trại tị nạn của người Palestine, cùng với đó là những vụ người định cư Do Thái tấn công người Palestine hay việc Israel quyết định giữ lại một phần ngân sách thu hộ PA là lý do chính dẫn đến tình trạng bạo lực gia tăng.
Ngoài ra, PA cũng tố cáo Hamas và các phong trào khác tại Dải Gaza tìm cách xúi giục người Palestine tại Bờ Tây gia tăng biểu tình chống lại Israel. Theo các quan chức PA, Hamas đang tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của người dân Palestine về những vấn đề tại Dải Gaza bằng cách kích động người Palestine tại Bờ Tây tiến hành các vụ tấn công chống Israel.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh hồi đầu tuần này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 25/3 đã phải cắt ngắn chuyến thăm Mỹ sau vụ tấn công bằng rocket từ Dải Gaza nhằm vào thành phố Tel Aviv khiến nhiều Israel người bị thương. Trong khi đó, Israel cũng tiến hành các cuộc không kích nhằm vào một số mục tiêu Hamas tại dải Gaza. Israel cho rằng Hamas phải chịu trách nhiệm về tất cả các vụ tấn công từ Gaza, vùng lãnh thổ mà phong trào Hồi giáo này kiểm soát từ năm 2007.
Căng thẳng leo thang trong khu vực trước thềm sự kiện đánh dấu 1 năm bùng phát các cuộc biểu tình tại biên giới Dải Gaza vào cuối tuần này, cũng như trước cuộc bầu cử ở Israel dự kiến diễn ra ngày 9/4 tới. Theo AFP, ít nhất 258 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza kể từ khi các cuộc biểu tình hằng tuần tại biên giới bắt đầu nổ ra gần một năm trước đây. Thủ lĩnh phong trào Hamas Ismail Haniya, hôm 27/3 đã xuất hiện trở lại trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi bùng phát bạo lực đầu tuần này. Ông Haniya đã tới thăm văn phòng của mình tại thành phố Gaza. Văn phòng này bị phá hủy trong cuộc không kích Israel trước đó. Ông cũng kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn đánh dấu 1 năm bùng phát các cuộc biểu tình tại biên giới Dải Gaza vào ngày 30/3 tới.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ kế hoạch hòa bình mà Mỹ sắp công bố sẽ phá vỡ những quy tắc lâu nay về những vấn đề như Jerusalem và các khu định cư Do Thái. Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Pompeo tuyên bố những biện pháp trước đây đã thất bại và lạc quan rằng cách tiếp cận mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đạt được kết quả tốt hơn cho cả người dân Israel và Palestine. Tuy vậy, ông Pompeo tỏ ra ngần ngại khi Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện, bà Nita Lowey, đặt câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục thực thi chính sách lâu nay của Mỹ về ủng hộ giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine hay không. Theo Ngoại trưởng Mỹ, kế hoạch sắp tới sẽ dựa trên tình hình thực tế và đánh giá thực tiễn.
Chính quyền Trump dự định công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông ngay sau cuộc bầu cử Israel vào ngày 9/4 tới, cho dù PA phủ nhận vai trò trung gian của Mỹ sau khi ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều quyết định gây tranh cãi, thể hiện sự ủng hộ rõ ràng với Israel khi cho phép chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, đóng cửa văn phòng đại diện Palestine tại Washington, cắt khoản hỗ trợ cho cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine.