Theo hãng tin Sputnik, các cuộc biểu tình nổ ra tối 25/11, sau vụ Nga bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine gần Eo biển Kerch với cáo buộc các tàu này tìm cách xâm nhập trái phép lãnh hải Nga, vi phạm Điều 19 và 21 của Công ước Liên hợp quốc. Những người biểu tình quá khích đã đốt lốp xe và ném lựu đạn khói vào khu vực phái bộ ngoại giao Nga.
Trên trang Facebook của mình, Đại sứ quán Nga tại Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với các đồng nghiệp của mình tại Đại sứ quán ở Kiev và lãnh sự quán Nga ở Ukraine, những người đang thường xuyên phải đối mặt với các hành động gây hấn.
Chúng tôi kêu gọi Mỹ kiềm chế những con rối Ukraine của họ. Việc thiếu kiểm soát hiện nay đối với chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phát xít kiểu mới ở Ukraine phải chấm dứt."
Trong một phản ứng cùng ngày, phát biểu tại Quốc hội, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin tuyên bố nước này không cần có quan hệ ngoại giao với Nga, nhưng Kiev vẫn chưa sẵn sàng để cắt đứt mối quan hệ này.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Ukraine ra tuyên bố không ủng hộ ý tưởng cắt đứt quan hệ ngoại giao với LB Nga, vì điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến khoảng 2,5 triệu kiều dân Ukraine đang sinh sống tại Nga.
Sau vụ đụng độ tại Eo biển Kerch, ngày 26/11, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Tổng thống Petro Poroshenko áp đặt lệnh thiết quân luật trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 28/11, tại các khu vực biên giới dễ bị tấn công nhất.
Phản ứng về quyết định này, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ "lo ngại sâu sắc". Một thông báo của Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Putin cũng bày tỏ hy vọng lãnh đạo Đức có thể can thiệp để ngăn Kiev có các hành động "liều lĩnh".
Trước đó, đại diện thường trực Nga tại Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) Aleksandr Lukashevich cũng bày tỏ lo ngại việc Ukraine áp đặt thiết quân luật tại nước này sẽ tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của vùng Donbass, miền Đông Ukraine, đồng thời chỉ rõ những sự kiện gần đây cho thấy Kiev đang “theo đuổi chính sách gây căng thẳng”.